Windows 11 sẽ tròn 2 tuổi vào tháng 10 này và Microsoft đã chuẩn bị ngừng hỗ trợ bản phát hành đầu tiên (phiên bản 21H2). Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực khuyến khích và thậm chí can thiệp mạnh mẽ từ công ty Redmond, thị phần hiện tại của Windows 11 vẫn kém khá xa so với con số áp đảo của Windows 10. Triển vọng tăng trưởng của phiên bản Windows mới không những không được cải thiện mà thậm chí đôi lúc còn thụt lùi, khiến Microsoft phải đau đầu.
Trên thực tế, ở khía cạnh người dùng cá nhân, việc triển khai Windows 11 đang diễn ra với tốc độ chậm, nhưng về cơ bản là có tăng trưởng. Tuy nhiên, đối với mảng doanh nghiệp, hệ điều hành mới của Microsoft đang thực sự gặp khó, thậm chí có thể đã đạt đến giới hạn khi các tổ chức, doanh nghiệp phải chật vật nâng cấp hệ thống phần cứng để đáp ứng những yêu cầu tối thiểu của nền tảng. Quá trình này chắc chắn sẽ tiêu tốn của doanh nghiệp rất nhiều chi phí và thời gian, trong khi hiệu quả chênh lệch thực tế khi nâng cấp lên hệ điều hành mới là không thực sự rõ ràng.
Theo thống kê của Lansweeper, tỷ lệ sử dụng Windows 11 hiện ở mức 8,35% tính đến hết tháng 9 năm 2023, tăng nhẹ so với mức 5,74% được ghi nhận cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, sau khi tiến hành nghiên cứu trên khoảng 33 triệu thiết bị Windows trong mảng doanh nghiệp , Lansweeper đã kết luận rằng phần lớn sự không tương thích của về phần cứng là rào cản lớn nhất đang khiến việc cập nhật Windows 11 bị trì trệ trong cộng đồng doanh nghiệp.
Một trong những điểm nhấn chính trong nghiên cứu của Lansweeper đó là việc có khoảng 67,5% máy trạm đủ điều kiện tự động cập nhật lên Windows 11. Những PC này sở hữu đầy đủ các thành phần cần thiết cho quá trình triển khai: CPU, RAM và TPM. Trong đó, 67,5% CPU, 93,8% RAM và 74,8% TPM đạt yêu cầu. Tuy nhiên, về cơ bản vẫn có 32% thiết bị không tương thích với Windows 11. Ngoài ra, trong môi trường kinh doanh, bộ phận IT vẫn là bên chịu trách nhiệm thực hiện tất cả các bản cập nhật, tự động hoặc cách khác.
Cũng có tùy chọn cập nhật thiết bị theo cách thủ công, nhưng sẽ không chỉ tiêu tốn thời gian mà còn yêu cầu bảo trì liên tục, đặc biệt nếu các thiết bị không tương thích. Windows 11 có các yêu cầu thông số kỹ thuật cơ bản phải tuân thủ, bao gồm bộ xử lý 1GHz (hoặc nhanh hơn) với hai lõi trở lên trên bộ xử lý 64 bit hoặc SoC, RAM 4GB và ít nhất 64GB dung lượng lưu trữ. Điều quan trọng là điều kiện bắt buộc đối với TPM, vốn chỉ được hỗ trợ trên các bộ xử lý Intel và AMD thế hệ mới. Lansweeper lưu ý rằng sự gia tăng nâng cấp Windows 11 nếu có chỉ chủ yếu là do các doanh nghiệp thay thế các thiết bị cũ bằng máy trạm mới có thông số kỹ thuật mạnh mẽ hơn.
Rất nhiều hệ thống máy tính doanh nghiệp hiện vẫn chạy trên Windows 7, 8 và XP. Tuy nhiên, các hệ điều hành này đều đã bị khai tử và không còn nhận được các bản cập nhật, đặc biệt là các bản vá bảo mật từ Microsoft, khiến chúng dễ bị tổn thương bởi những hoạt động tấn công độc hại.