Không nghi ngờ gì nữa, một trong những tính năng phổ biến nhất trong Windows 10 là menu Start. Đây là khu vực mà bất cứ người dùng Windows 10 nào cũng phải truy cập nhiều lần trong quá trình sử dụng, là điểm khởi đầu cho gần như mọi thứ trên hệ điều hành này. Bản thân menu Start cũng đã được tính chỉnh và cải tiến rất nhiều trong Windows suốt những năm qua, và bây giờ, Microsoft đang chuẩn bị thực hiện một cuộc đại tu mới về mọi mặt đối với tính năng này.
Microsoft muốn làm cho menu Start trông hiện đại hơn bằng cách áp dụng triệt để ngôn ngữ thiết kế Fluent Design mới, cũng như thực hiện những cải tiến nhỏ cho live tiles, mà mục đích cuối cùng sẽ là đem đến sự liền mạch và trực quan hơn, giúp cải thiện trải nghiệm người dùng đối với Windows 10 nói chung và menu Start nói riêng.
Nhưng câu hỏi đặt ra là người dùng có thực sự cần đến sự thay đổi này hay không?
Đừng từ góc độ cá nhân, tôi nghĩ là có. Tạm gạt những yếu tố như trải nghiệm người dùng sang một bên, menu Start cần phải thay đổi để đồng bộ với sự phát triển và hiện đại hóa của Windows 10, mang đến một cách tiếp cận nhất quán hơn cho người dùng, đơn giản bởi đây là một phần không thể thiếu của Windows, nơi mà tất cả người dùng đều tương tác.
Quay trở lại năm 2012, Microsoft đã tiến hành một thử nghiệm đầy rủi ro: rút hoàn toàn menu Start và nút Start khỏi Windows 8. Thay vì vào đó là một màn hình Start ở chế độ toàn màn hình, đi kèm với live tiles nhằm gây ấn tượng và cải thiện khả năng tương tác đối với người dùng. Đây là một ý tưởng hay, nhưng đa số người dùng lại không nghĩ màn hình Start này là một sự thay thế phù hợp cho nút Start truyền thống. Nhiều người thậm chí đã chuyển sang sử dụng các ứng dụng menu Start của bên thứ ba hoặc từ bỏ hoàn toàn Windows 8, quay trở lại Windows 7 với menu Start Windows 7 quen thuộc để phản đối quyết định thay đổi của Microsoft.
Sau thử nghiệm táo bạo đó, Microsoft đã nhận ra rằng Windows không thể tồn tại thiếu nút Start, và mang nó trở lại trên Windows 8.1. Đến Windows 10, menu Start về cơ bản vẫn là một nút nhỏ ở góc dưới bên trái màn hình, nhưng đã đi kèm với một loạt các cải tiến về mặt giao diện, bao gồm cả live tiles.
Đây dường như là một hướng đi đúng đắn. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là gã khổng lồ phần mềm không có kế hoạch đưa ra cải tiến mang tính nền tảng đối với menu Start. Microsoft thậm chí đã từng cân nhắc từ bỏ hoàn toàn các live tiles khỏi menu Start, do số liệu thống kê cho thấy mức độ sử dụng cũng như tương tác khá thấp của người dùng đối với live tiles. Mặc dù cũng đã có rất nhiều người cho rằng live tiles là một tính năng tuyệt vời, nhưng thực tế có rất ít người thực sự sử dụng nó.
Hiện tại, vấn đề nhức nhối nhất trên Windows 10 có lẽ nằm ở tính nhất quán về thiết kế UI, Microsoft đương nhiên hiểu rõ điều này và muốn khắc phục triệt để. Giao diện Start menu mới sẽ đến tay người dùng vào khoảng đầu năm sau với thiết kế hoàn toàn khác biệt, các ô live tiles sẽ có phần nền phù hợp hơn, tương ứng với chủ đề sáng hoặc tối mà người dùng đang sử dụng. Không chỉ thay đổi màu nền, Microsoft còn định loại bỏ live tiles ra khỏi giao diện hiện tại và sẽ thiết kế lại theo một hướng hoàn toàn khác.
Suy cho cùng, menu Start cần phải thay đổi để mang đến cho người dùng trải nghiệm thống nhất, phù hợp hơn với tất cả các tùy chỉnh đã, đang, và sẽ được áp dụng trên của Windows 10. Chẳng hạn, giao diện menu Start mới sẽ đem lại sự hài hòa với cả chủ đề nền tối và nền sáng, đảm bảo tính trực quan và khả năng tương tác của người dùng. Sự thay đổi này nên diễn ra thường xuyên và có lộ trình dài hạn thay vì chỉ là những thử nghiệm mang đầy tính rủi ro như trước.
Tôi nghĩ rằng menu Start cần được “đánh bóng” sau mỗi bản cập nhật tính năng mới của Windows 10. Như đã nói, menu Start là một trong những thứ đầu tiên mà người dùng tương tác sau khi khởi động hệ thống. Do đó, nó cần mang trong mình sự mới mẻ và hiện đại theo đúng tinh thần đổi mới của Windows.