Hiện tại, chúng ta có thể thấy rằng các thiết bị công nghệ này là bạn đồng hành, nhưng đây lại là một tín hiệu cảnh báo công nghệ sẽ dần thay thế tất cả, dấy lên câu hỏi đặt ra liệu rằng nó sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa chúng ta.
Con người giờ đây không cần phải xem phim khoa học viễn tưởng để thấy cyborg (người lai robot), bản thân chúng ta hiện nay cũng đang dần biến thành cyborg. Điện thoại di động, các thiết bị theo dõi hoạt động, máy trợ tim, và thậm chí cả các loại thuốc đều có khả năng cải thiện, tăng cường sức khỏe lẫn trí não. Một số người dự đoán trong khoảng 200 năm nữa nhân loại sẽ được thay thế các bộ phận máy móc vào người để có được cuộc sống vĩnh hằng, hoặc ít nhất thì những người giàu có sẽ sẵn sàng làm điều này.
Liệu rằng trong tương lai sẽ có cyborg?
Thế hệ tiếp theo của các thiết bị đeo thông minh sẽ đưa con người tiến một bước gần hơn với dự đoán này. Chúng ta hiện đang hướng đến tương lai mà nơi đó công nghệ đóng vai trò tạo ra những bộ phận cơ thể nhân tạo, những thiết bị có thể thu thập toàn bộ thông tin bên trong cơ thể con người.
Một công ty có tên Athos đang lên kế hoạch phát triển những bộ đồ thể thao có khả năng đo lường hoạt động của các mô cơ, nhịp tim đập và hệ hô hấp theo thời gian thực. Mục tiêu mà Athos đưa ra là khuyến khích người tiêu dùng "nâng cấp" bản thân để có được thân hình lý tưởng. Với động thái này, Athos rõ ràng đang muốn ý tưởng công nghệ của họ sẽ đưa nhân loại đến với giai đoạn tiến hóa tiếp theo.
Bên cạnh đó, hãng quần jeans nổi tiếng Levi Strauss & Co đang hợp tác cùng Google phát triển loại quần có khả năng tương tác với các thiết bị công nghệ của người dùng. Bên cạnh bề mặt vải có khả năng cảm ứng, loại quần này còn có khả năng theo dõi cân nặng cơ thể, đọc cử chỉ người dùng, tạo cuộc gọi thoại và còn nhiều tính năng khác.
Video giới thiệu Project Jacquard của Google và Levi Strauss:
Các nhà nghiên cứu thuộc Echo Labs hiện đang phát triển một loại vòng đeo sinh trắc học có khả năng đo lường khí oxy, CO2, độ PH và mức huyết áp thông qua các tính hiệu quang. Một số ý tưởng khác thậm chí còn muốn tạo ra công nghệ cấy ghép để can thiệp sâu cơ thể sinh học của con người. Các chip xử lý ẩn dưới cơ thể hoặc các hình xăm điện tử thậm chí có thể thay thế những vòng đeo tay thông minh và các thiết bị chi tiền trong một vài năm tới.
Vậy câu hỏi được đặt ra "Liệu chúng ta sẽ cảm giác như thế nào nếu những thiết bị công nghệ này dính liền với cơ thể ta 24/24?"
Một cuộc nghiên cứu đã được thực hiện với 200 phụ nữ đeo thiết bị đo hoạt động Fitbit. Kết quả cho thấy đa số người dùng xem thiết bị này như một phần cơ thể của họ và không còn cảm giác đây là thiết bị đeo ngoài nữa. "Nó luôn hoạt động, và luôn ở trên người tôi", 89% số người tham gia thử nghiệm cho biết, và họ chỉ tháo nó ra vào lúc sạc pin mà thôi.
Bên cạnh đó, nghiên cứu này cũng nhận thấy thiết bị này ảnh hưởng phần lớn đến việc ra quyết định của những phụ nữ này về vấn đề ăn kiêng, tập luyện thể thao và cách họ di chuyển giữa 2 địa điểm. Đa số những người tham gia đều chọn quãng đường đi xa hơn để tăng thêm số bước đi cũng như tăng thêm lượng bài tập thể dục mỗi tuần. Ngoài ra, 56% trong số đó tăng tốc bước đi hơn để đạt được mục tiêu mà Fitbit đề ra, họ cũng thay đổi cả thói quen ăn uống, chọn món ăn tốt cho sức khỏe hơn và ăn lượng ít hơn.
Đa số người tham gia chương trình nghiên cứu này đều tin rằng việc đo lường hoạt động hàng ngày là quan trọng và kiểm tra bảng tiến trình hơn 2 lần/ngày. Điều ngạc nhiên là 68% số người tham gia xem thiết bị này như là một người bạn có thể giúp họ đạt được mục tiêu đề ra. Việc hoàn thành mục tiêu giúp họ cảm thấy vui hơn, thỏa mãn, tự hào và tạo thêm động lực cho họ.
Mặt tối của công nghệ
Bên cạnh sự hài lòng của những người tham gia, nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy một số mặt không mấy tốt đẹp. Khi họ hỏi những phụ nữ này sẽ cảm giác như thế nào nếu không có Fitbit bên cạnh, 45% trong số đó trả lời rằng họ thấy trống trải, và 43% cho rằng các bài tập hoạt động sẽ trở nên vô nghĩa nếu không có Fitbit. Ngoài ra, 22% số người còn lại cảm thấy thiếu động lực để tiếp tục luyện tập thể thao.
Một vấn đề khác đáng báo động hơn, đó là 79% người tham gia cảm thấy bị áp lực phải đạt được mục tiêu đề ra mỗi ngày và 59% cho rằng sinh hoạt hàng ngày của họ bị chi phối bởi Fitbit. Bên cạnh đó, khoảng 30% cho rằng Fitbit là kẻ thù và làm họ cảm thấy tội lỗi, điều này dường như biến ý tưởng công nghệ này trở nên không hoàn hảo.
Công nghệ không phải lúc nào cũng mang đến những điều tích cực.
Các thiết bị đeo có thể đem lại nhiều tác động tích cực để con người nâng cao chất lượng bản thân và giúp chúng ta tương tác với công nghệ bằng nhiều cách mới. Tuy nhiên, rõ ràng là khi gắn kết công nghệ hoặc thậm chí cấy ghép nó vào cơ thể, chúng ta phải sẵn sằng sống chung với nó. Các thiết bị công nghệ này ảnh hưởng đến từng hoạt động, theo đó chúng ta sẽ càng ngày càng bị chi phối và phải làm theo những gì công nghệ gợi ý để hành động hoặc giao tiếp với nhau.
Hiện tại, chúng ta có thể thấy rằng các thiết bị công nghệ này là bạn đồng hành, nhưng đây lại là một tín hiệu cảnh báo công nghệ sẽ dần thay thế tất cả, dấy lên câu hỏi đặt ra liệu rằng nó sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa chúng ta. Và dù muốn hay không, chúng ta đang dần tự biến đổi mình thành một chủng loài người mới.