Trong hơn một thập kỷ, ông Marc Benioff đã phải lắng nghe không ít lời đánh giá rằng công ty Salesforce.com mà ông đồng thành lập không phải là một đối thủ lớn trong ngành công nghiệp phần mềm. Dù vậy, những diễn biến gần đây cho thấy vị thế của Salesforce dần dần đã được nhìn nhận nhờ chiến lược đúng đắn của người dẫn đầu.
Ông Marc Benioff.
Các đối thủ của công ty Salesforce.com (gọi tắt là Salesforce) đã chi ra hàng tỉ đô la Mỹ để mua những công ty làm loại công việc mà Salesforce đã và đang làm – cung cấp phần mềm doanh nghiệp như một loại dịch vụ cho thuê bằng cách sử dụng một đám mây máy tính bên trong Internet.
Chiến lược đúng đắn
Mới đây, IBM tuyên bố sẽ mua DemandTec, một nhà cung cấp phần mềm phân tích dữ liệu cho các nhà bán lẻ hoạt động dựa trên đám mây, với giá 440 triệu đô la. Trước đó không lâu, công ty SAP của Đức, một trong những hãng phần mềm doanh nghiệp truyền thống lớn nhất thế giới, đồng ý trả 3,4 tỉ đô la để mua lại SuccessFactors, công ty chuyên bán phần mềm nguồn nhân lực qua đám mây. Trong tháng 10-2011, Oracle – gã khổng lồ trong giới doanh nghiệp phần mềm kinh doanh truyền thống – cho biết sẽ chi 1,5 tỉ đô la để mua RightNow Technologies, công ty sử dụng phần mềm đám mây cho việc nghiên cứu sản phẩm và dịch vụ khách hàng.
Ông Benioff, Giám đốc điều hành Salesforce, không giấu được sự hài lòng trước những diễn biến nói trên: "Thật tuyệt vời khi thấy Oracle và SAP mua công ty điện toán đám mây. Bạn có nghĩ rằng điện toán đám mây sẽ thay đổi họ?".
Đối với ông Benioff, người đồng sáng lập Salesforce vào năm 1999, những thương vụ nói trên là một minh chứng cho thành công của chiến lược ông theo đuổi. Ông tự hào khoe: "Amazon Web Services đang kiếm hơn 1 tỉ đô la từ phần mềm điện toán đám mây, trong lúc Google Apps tiến gần đến con số này. Trong khi đó, chúng tôi đang trên đường đạt mức doanh thu 3 tỉ đô la trong năm 2012 này. Những con số này khiến họ không khỏi lo lắng".
Ngành công nghiệp phần mềm doanh nghiệp nhìn chung trải qua một thập kỷ tương đối trì trệ và đang tìm kiếm một cái gì đó mới. Điện toán đám mây là hướng đi mới, nhưng đối với nhiều người, nó có nghĩa là một sự thay đổi lớn trong lợi nhuận và cách thức kinh doanh. Mức chi tiêu toàn cầu cho công nghệ doanh nghiệp – được dự báo sẽ đạt 2.700 tỉ đô la trong năm nay – từ lâu bị chi phối bởi việc sử dụng máy tính cá nhân gắn liền với những máy chủ độc quyền. Những máy chủ này chạy phần mềm mà những công ty như SAP, Oracle… bán cho các doanh nghiệp dưới dạng một sản phẩm được cấp giấy phép sử dụng, rồi sau đó thu phí thường niên. Trong khi đó, phần mềm điện toán đám mây được cho thuê trên Internet với mức phí thấp hơn, nên có biên lợi nhuận không cao bằng. Phần mềm này thường được sử dụng bởi máy tính bảng và điện thoại thông minh cũng như máy tính cá nhân.
Các "đại gia" vào cuộc
SAP có kế hoạch thâm nhập vào thị trường điện toán đám mây thông qua việc mua lại những công ty hoạt động trong lĩnh vực này. Ông Sanjay J. Poonen, Chủ tịch phụ trách giải pháp toàn cầu cho SAP, cho biết: "Ông Benioff đã làm rất tốt công việc tiếp thị cho điện toán đám mây. Giờ đây, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều công ty lớn hơn nhảy vào lĩnh vực này".
Theo ông, bên cạnh phần mềm SuccessFactors, SAP có nhiều khả năng sẽ cung cấp phần mềm du lịch, quản lý chi phí, kế toán và cộng tác hoạt động trên đám mây. Trong thế giới công nghệ cũ, công ty của Đức này được biết đến nhiều hơn như là một nhà sản xuất phần mềm phân bổ nguồn lực.
Trong khi đó, ông Lawrence J. Ellison, Giám đốc điều hành Oracle, tuyên bố rằng các sản phẩm điện toán đám mây của công ty ông sẽ dễ dàng làm việc với phần mềm từ các nhà cung cấp khác. Ông nói: "Mọi người đều có một đám mây, chúng ta cần một đám mây. Điểm khác biệt là đám mây của chúng ta hỗ trợ tính tương hợp đầy đủ".
Ông John Wookey, người từng làm việc cho cả SAP và Oracle và gần đây đã gia nhập Salesforce để quản lý bộ phận sản phẩm cao cấp, nhận định rằng không dễ để chuyển đổi từ một hình thức phần mềm doanh nghiệp này sang một hình thức khác. Ông nhận định: "99% hoạt động kinh doanh của các công ty phần mềm doanh nghiệp hiện nay vẫn còn mang tính truyền thống. Điểm thực sự khác biệt giữa Salesforce và các công ty này là mối quan hệ với khách hàng. Cứ mỗi bốn tháng, chúng tôi tung ra phiên bản mới của sản phẩm. Nếu không thích nó, khách hàng có thể thôi trả tiền để sử dụng nó". Trong khi đó, phần mềm đóng gói thường phải mất một vài năm mới có phiên bản mới. Ngoài ra, việc chấm dứt mua giấy phép sử dụng một phần mềm có thể gặp khó khăn nếu dữ liệu của công ty phụ thuộc nhiều vào nó. Ông Wookey nhận định: "Điều khó khăn nhất là làm sao thành công một lần nữa khi bạn đã thành công trong thế giới cũ".
Ông Benioff cho biết, để đối phó với sự chú ý đột ngột mà các "đại gia" đang dành cho điện toán đám mây, Salesforce cần tiếp tục nỗ lực đi trước các đối thủ. Salesforce đang phát triển thêm nhiều phần mềm hoạt động giống như mạng xã hội Facebook. Chatter, một sản phẩm truyền thông nội bộ được Salesforce tung ra thị trường năm 2010, được thiết kế để khuyến khích người sử dụng chia sẻ và cộng tác cởi mở hơn nhằm tạo ra một môi trường làm việc năng động và gần gũi hơn. Tại hãng xe Toyota, các nhân viên có thể dùng Chatter để trò chuyện thoải mái với nhau hoặc với khách hàng.
Lần này, các đối thủ đang quyết tâm không để cho Salesforce vượt trước quá xa. Tháng 5-2011, công ty Vmware đã mua lại công ty phần mềm xã hội doanh nghiệp Socialcast. Sản phẩm của công ty này được thiết kế để giúp nhân viên trong các doanh nghiệp dễ dàng tìm kiếm và chia sẻ thông tin. Trong khi đó, ông Poonen cho rằng thương vụ SuccessFactors sẽ giúp SAP phát triển mạng xã hội bên trong những khách hàng của mình. Những động thái này không làm ông Benioff nao núng. Ông tự tin cho biết: "Tôi có một tầm nhìn 10 tỉ đô la cho Salesforce. Nó bao gồm sự thành công của khách hàng".