Ngày 13/11 vừa qua, Trung Quốc đã chính thức đưa vào hoạt động đường trục truyền dữ liệu Internet nhanh nhất thế giới với tốc độ 1,2 terabit/giây. Tốc độ này nhanh gấp 3 lần đường truyền mạnh nhất đang vận hành thương mại hiện nay và hoạt động sớm hơn 2 năm so với dự đoán.
Đường trục truyền dữ liệu Internet nhanh nhất thế giới này nằm trong dự án Future Internet Technology Infrastructure (FITI) - cơ sở hạ tầng công nghệ Internet tương lai do Đại học Thanh Hoa, China Mobile, Công ty công nghệ Huawei (Huawei Technologies) và Công ty Cernet (Cernet Corporation) thực hiện.
Đây cũng là đường trục truyền dữ liệu Internet thế hệ tiếp theo đầu tiên trên thế giới. Đường trục truyền có chiều dài hơn 3.000 km, truyền dữ liệu giữa Bắc Kinh ở phía Bắc, Vũ Hán ở miền Trung và Quảng Châu ở miền Nam Trung Quốc.
Đường trục với tốc độ 1,2T (1,2 terabit/giây) có khả năng truyền dữ liệu với hiệu suất truyền tải gấp hơn 10 lần so với mạng 100G (100 gigabit/giây) hiện tại, tương đương 150 bộ phim độ phân giải cao chỉ trong 1 giây. Tất cả phần mềm và phần cứng của mạng lõi sử dụng trong đường trục đều sản xuất trong nước.
Hiện nay, công nghệ đường trục Internet 400G (gigabit/giây) mới bắt đầu được thương mại hóa trên toàn cầu. Theo dự đoán, đến năm 2025 mới xuất hiện đường trục tốc độ cực cao cấp độ T (1 terabit/giây).
Việc Trung Quốc khai thông đường trục Internet tốc độ 1,2T đã sớm hơn dự đoán 2 năm, khiến thế giới phải kinh ngạc.
Hiện nay, Mỹ mới chỉ hoàn thành quá trình chuyển đổi sang Internet2 thế hệ thứ năm với tốc độ 400G, còn hầu hết đường trục Internet trên thế giới đều hoạt động ở tốc độ 100G.