Ngày 7/10 vừa quan, chính quyền Mỹ đã công bố loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới nhằm hạn chế Trung Quốc mua và sản xuất chip cao cấp, được cho là sẽ cản đà tự chủ công nghệ của quốc gia châu Á này.
Theo điều khoản mới nhất, các công ty ở mọi nơi trên thế giới không được phép bán chip máy tính hoặc công nghệ bán dẫn tiên tiến có công nghệ Mỹ cho Trung Quốc. Nếu muốn, họ phải nộp đơn xin xét duyệt lên các cơ quan có thẩm quyền của Mỹ.
Động thái của Washington nhằm kiểm soát những loại chip sản xuất ở nước ngoài, ngăn chúng đến tay Huawei và chặn dòng chảy thiết bị bán dẫn đến Nga. Đây là một nỗ lực đáng kể của Mỹ trong việc bóp nghẹt ngành bán dẫn và cản trở đà phát triển công nghệ của Trung Quốc.
Quy định mới của Mỹ dựa trên Quy định Sản phẩm Trực tiếp Nước ngoài (FDPR) được ban hành năm 1959, và được bổ sung vào năm 2020.
Chính quyền Mỹ cũng đã gửi văn bản yêu cầu ngừng cung cấp thiết bị cho các nhà máy Trung Quốc chuyên chế tạo chip bán dẫn tiên tiến đến những hãng sản xuất máy móc và công cụ hàng đầu ở Mỹ như KLA Corp, Lam Research và Applied Materials từ đầu năm. Phần lớn quy định có hiệu lực ngay lập tức.
Trước động thái của Mỹ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chỉ trích Mỹ "lạm dụng các biện pháp thương mại để củng cố thế độc quyền công nghệ".
Jim Lewis, chuyên gia công nghệ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Mỹ nhận xét, quy định mới sẽ không thể khiến Trung Quốc từ bỏ sản xuất chip nhưng họ sẽ bị tụt lùi nhiều năm.
Các quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ cũng thừa nhận rằng, biện pháp mới có thể ngăn Trung Quốc tiếp cận nguồn chip và thiết bị sản xuất tối tân nhưng sẽ mất dần hiệu quả theo thời gian nếu không có sự tham gia của các nước khác. Trong khi đó, có quốc gia đồng minh nào của Washington cam kết áp dụng những hạn chế tương tự.