Với thiết kế điều khiển nửa cảm ứng nửa nút cứng, FP3 mang đến một trải nghiệm khá mới mẻ trong làng máy ảnh du lịch.
Máy ảnh FP3 kế thừa dòng siêu mỏng FP8 trước đây, nhưng cao cấp nhất trong loạt FP1, FP2, FP3 ra mắt đầu năm nay. Máy có nắp trượt che ống kính, khi trượt lên sẽ đóng máy, đồng thời che kín cả đèn flash và ống kính, tạo được độ an toàn cần thiết khi mang đi mang lại.
Panasonic Lumix FP3 dày chỉ 18,6 mm. (Ảnh: Panasonic).
Với thân hình khá mảnh dẻ, bề dày chỉ 18,6 mm, cân nặng 145 gram, có thể thấy FP3 lấy cảm hứng từ thiết kế của Sony mặc dù nắp trượt đã được thu gọn chứ không che toàn chiều dài như của hãng này. Một điều thú vị là FP3 mặc dầu được Panasonic trang bị màn hình cảm ứng 3 inch khá lớn nhưng vẫn có thêm các nút điều khiển cứng đi kèm bên ngoài nên là một sự trải nghiệm lạ lẫm giữa cảm ứng và nút bấm. So với FP8, các nút này có sự sắp xếp lại đôi chút theo chiều dọc trông đơ giản và đỡ rối mắt hơn.
Hướng tới đối tượng người dùng đơn giản, các tính năng chụp ảnh được tối giản hóa tối đa. Chỉ có 4 chế độ cơ bản gồm chụp ảnh, quay phim (1.280 x 720 pixel MPEG) và hai chế độ mặc cảnh. Hai chế độ này bao gồm lựa chọn sẵn 25 cảnh thông dụng và My Scene, cho phép người dùng tùy biến một vài thông số. Còn thông thường, chỉ việc kích hoạt chế độ tự động thông minh hoàn toàn bằng nút bấm trên mặt trên và bấm máy, mọi công việc còn lại sẽ do máy ảnh tự động đảm nhiệm.
Trượt nắp là mở ống kính và chụp ảnh. (Ảnh: ITpark).
Tốc độ hoạt động của FP3 tương đối tốt, thời gian khởi động khi trượt nắp chỉ mất khoảng một giây. Tốc độ lấy nét bình thường với độ tin cậy khá cao, nhưng thời gian ghi hình vào thẻ vẫn hơi chậm, mất khoảng vài giây mặc dù FP3 có sẵn bộ nhớ trong khoảng 40MB. Cơ chế điều chỉnh vừa nút cứng vừa cảm ứng khi chụp, lấy nét hay điều chỉnh phơi sáng hơi rối và phải mất một thời gian mới có thể làm quen được.
Một điều đáng tiếc là mặc dù ống kính của FP3 thuộc dạng ống kính ẩn trong thân máy, không bị thò thụt ra ngoài nhưng zoom quang vẫn bị khóa khi quay phim chứ không hoạt động được như trên các phiên bản tương tự như dòng TX của Sony chẳng hạn. FP3 có khe cắm thẻ SD hỗ trợ đầy đủ các chuẩn từ SDHC tới SDXC dung lượng cao mới nhất.
Màn hình cảm ứng nhưng lại có nút bấm bên cạnh để hỗ trợ. (Ảnh: Panasonic).
Dưới điều kiện ánh sáng tốt, chất lượng ảnh của FP3 không phải phàn nàn gì, hệ thống đo sáng hoạt động khá tin cậy, màu sắc thể hiện tốt, kiểm soát độ cân bằng màu khá hiệu quả cho dù có những cảnh thiên về một tông màu.
Mặc dù cảm biến trên FP3 cũng chỉ 1/2,3 inch với 14 triệu điểm ảnh nhưng có thể thấy nhiễu hạt lại không phải là vấn đề lớn trên phiên bản này. Chỉ từ ISO 400 trở đi chất lượng ảnh mới bắt đầu suy giảm. Để hỗ trợ chụp trong điều kiện thiếu sáng, Panasonic đưa vào phiên bản này chế độ High Sensitivity với ISO đẩy lên được tới 6400, nhưng đổi lại số điểm ảnh sẽ giảm chỉ còn 3 triệu điểm.
Phiên bản thời trang siêu mỏng FP3 của Panasonic với thiết kế chắc chắn và bắt mắt đủ hấp dẫn không ít người tiêu dùng. Với các thông số cao cấp chẳng kém ai như cảm biến 14 triệu điểm ảnh, zoom quang 4x (35 – 140 mm), quay phim HD và nhất là có màu sắc đa dạng (tới 12 màu theo công bố của hãng), FP3 hoàn toàn có thể đứng cùng hàng trong những sản phẩm sành điệu cho khách hàng lựa chọn.
Lumix DMC-FP3 hiện được bán tại Việt Nam với mức giá khoảng 5,9 triệu đồng.