Luật Giao Dịch Điện Tử có hiệu lực: Doanh nghiệp vẫn phải chờ

Doanh nghiệp (DN) là lực lượng tiên phong trong việc sử dụng các giao dịch điện tử, vì thế họ rất mừng khi Quốc Hội thông qua Luật Giao Dịch Điện Tử (GDĐT). Tuy nhiên, sau thời điểm Luật này có hiệu lực (1/3/2006), có thể DN vẫn phải chờ thêm một thời gian dài.

Sốt ruột chờ Luật

www.chodientu.com (gọi tắt là CĐT) là một sàn giao dịch trực tuyến do công ty Giải Pháp Phần Mềm Hòa Bình (PeaceSoft) xây dựng, cung cấp các mảng dịch vụ: mua bán - rao vặt, gian hàng trực tuyến, đấu giá trực tuyến, tư vấn tiêu dùng. CĐT có những tìm tòi riêng trong cách làm TMĐT, chẳng hạn cho phép khách gọi điện thoại hoặc dùng tin nhắn (SMS) để đăng và nhận tin từ chợ, từ đó tăng lượng người sử dụng dịch vụ tăng lên rất nhiều và không còn bó hẹp trong phạm vi cư dân mạng. Nhiều DN khác đã đến thuê các gian hàng trực tuyến của CĐT để quảng bá, thử nghiệm, tiếp cận với đông đảo người "lướt chợ".

Khác với CĐT, công ty xuất nhập khẩu Intimex là một đơn vị thuộc Bộ Thương Mại. Intimex là một thương hiệu khá nổi về xuất nhập khẩu, được nhận danh hiệu Sao Vàng Đất Việt 2004. Từ năm 2002, công ty đã xây dựng website để giới thiệu hình ảnh, đăng chào mua, chào bán, đấu thầu... Công ty cũng tích cực tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử Vnemart (www.vnemart.com.vn) của Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam, và cổng TMĐT quốc gia ECVN (www.ecvn.com.vn). Theo ước tính của Phòng Thông Tin và Tin Học (TTTH) thuộc công ty, từ khi tham gia tích cực vào môi trường mạng, số lượng khách hàng liên hệ giao dịch với công ty tăng khoảng 30%.

Nhận thấy tiềm năng của TMĐT, cả hai công ty đều muốn tiếp tục phát triển mạnh hơn nữa hướng làm ăn trên mạng. Nhưng họ gặp phải khá nhiều vướng mắc vì Việt Nam chưa đủ khuôn khổ pháp lý lẫn hạ tầng công nghệ để có thể tiến hành trọn vẹn các hình thức giao dịch điện tử vốn đã quen thuộc trên thế giới. Rất nhiều khâu trong một quá trình giao dịch như liên hệ, giao nhận hàng hóa, thanh toán... vẫn phải dùng các phương thức truyền thống. Nhằm khắc phục phần nào, CĐT phát hành thẻ cào để thành viên thanh toán khi mua hàng hoặc đăng tin, tham gia đấu giá. Tuy nhiên, phương thức này không kinh tế vì thẻ phải chịu 10% thuế giá trị gia tăng, cộng với chi phí làm thẻ, chi phí phát hành. Do vậy, CĐT, Intimex cũng như nhiều công ty khác đành đợi Nhà Nước thiết lập hành lang pháp lý, tạo môi trường thuận lợi cho TMĐT. Có những DN đã tỏ ra sốt ruột!

Những nghi ngại

Cuối năm 2005, Luật GDĐT ra đời, được nhiều tờ báo và một số tổ chức bầu chọn là sự kiện về CNTT và TMĐT nổi bật nhất năm 2005 vì đã thiết lập nền tảng cho các giao dịch điện tử, trong đó có giao dịch TMĐT. Nhiều người đánh giá Luật GDĐT sẽ tác động mạnh đến hiện trạng TMĐT ở Việt Nam.

Thế nhưng, cho đến sát thời điểm có hiệu lực (1/3/2006), chưa có dấu hiệu nào cho thấy Luật GDĐT sẽ khuấy động các hoạt động TMĐT. Theo ông Nguyễn Tuấn Minh, giám đốc kinh doanh của PeaceSoft, phụ trách CĐT, Luật GDĐT đã công nhận tính pháp lý của thông điệp dữ liệu, chứng thực điện tử và chữ ký điện tử (CKĐT)..., nhưng trong thực tế còn vô vàn những trường hợp chưa biết phải giải quyết như thế nào! Chẳng hạn, việc xác thực CKĐT có những chi tiết nào, DN nào được cấp CKĐT, thủ tục xin cấp như thế nào...? Đành phải chờ nghị định. Song, cho đến nay, các nghị định hướng dẫn thực hiện Luật vẫn chưa soạn xong, trừ nghị định về TMĐT đã được trình Chính Phủ (CP). Trong khi đó, Luật Ban Hành Văn Bản Quy Phạm Pháp Luật và một số nghị quyết của CP đều thể hiện quan điểm: Nghị định của CP quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh phải được soạn thảo và trình cùng với dự án luật, pháp lệnh.

Chưa có nghị định, hàng loạt câu hỏi đặt ra khiến các DN cảm thấy bối rối: Các công nghệ CKĐT và xác thực CKĐT ở Việt Nam hiện nay có đủ tin cậy không? Khi có tranh chấp về TMĐT, cán bộ của viện kiểm sát, tòa án liệu có đủ trình độ công nghệ và am hiểu những đặc tính của thế giới ảo để phân biệt đâu là thật, đâu là gian lận, và biết cách làm việc với các chứng cứ điện tử? Liệu chính các nghị định có bỏ sót nhiều trường hợp có thể xảy ra trong thực tế? Ông Thái Sơn, trưởng phòng TTTH công ty Intimex băn khoăn: Hiện nay Intimex thường xuyên làm việc với hải quan điện tử, thấy rõ ràng tiện lợi hơn nhiều so với trước kia, nhưng cũng có lúc rất phiền toái. Ví dụ, đôi khi máy móc của hải quan bị lỗi dẫn đến các số liệu của một đơn vị thành viên Intimex nào đó không khớp nhau (hoặc cũng có thể chính đơn vị đó khai báo sai), thì hệ thống mạng của Hải Quan sẽ cảnh báo trên toàn mạng và quá trình làm thủ tục hải quan của toàn bộ các đơn vị thuộc Intimex trong cả nước bị phong tỏa để kiểm tra. Trường hợp như vậy còn phiền hơn cách làm thủ công. Ông Sơn đặt câu hỏi: GDĐT với một ngành đã nảy ra những trường hợp như thế, liệu khi nhiều ngành nữa như ngân hàng, tài chính, cơ quan kiểm dịch, quản lý thị trường... phối hợp với nhau thì vấn đề có thể phức tạp thêm đến đâu? Phải chăng các nghị định ra chậm là vì còn lúng túng trước thực tế rất phức tạp?

Vì những lý do đó, theo ông Minh (quản lý CĐT) hiện nay phần lớn DN đang nghe ngóng tình hình, chưa đủ yên tâm và hứng khởi tham gia TMĐT một cách nhiệt tình. Ông Lưu Minh Tuấn, phó trưởng Ban Xúc Tiến Thương Mại của Hiệp Hội Các DN Vừa Và Nhỏ Hà Nội cũng cho biết hầu hết các DN trong hiệp hội đang nghe ngóng, thăm dò, chờ động tĩnh.

Lý giải về tình trạng "chậm lớn" của TMĐT ở Việt Nam, ông Thái Sơn (Intimex) đưa ra thêm một góc nhìn khác. Theo ông sở dĩ các DN chưa hăng hái tham gia TMĐT một phần vì tập quán giao dịch của người Việt. "Văn hoá tiền mặt" và cung cách làm ăn kiểu "tay bắt mặt mừng", kiểu "đi vòng vèo", lót tay, trốn thuế, phụ thuộc nhiều vào "tình cảm"... chính là trở ngại lớn cho việc phát triển TMĐT, nhất là đối với khối DN nhà nước. Ông Sơn cho rằng theo sự vận động chung của xã hội, dần dần cung cách làm ăn lạc hậu cũng bị đào thải. Tuy nhiên, để tạo ra môi trường thương mại trong sạch, không có đất cho "văn hoá phong bì”, không còn chuyện phải "đi cửa sau", giảm triệt để các thủ tục phiền hà... thì các DN vẫn phải tiếp tục trông chờ vào Nhà Nước.

Nguyễn Hưng

Thứ Tư, 08/03/2006 09:03
31 👨 122
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp