Đó là tuyên bố đáng chú ý nhất trong một loạt hành động gần đây mà Microsoft tiến hành nhằm chống lại sự bành trướng của phần mềm mang biểu tượng chim cánh cụt. Người phát ngôn là Giám đốc điều hành Microsoft Australia, Steve Vamos.
Trong lúc khái niệm nguồn mở đang bám rễ ngày một chắc không chỉ trong cộng đồng những người ưa chuộng nó mà cả ở chính phủ các nước trên thế giới thích cái ý tưởng mã nguồn truy cập tự do, Microsoft đang nỗ lực hết sức để làm sáng tỏ quan niệm “đích thực” về mã nguồn mở và thực trạng của Linux.
Khi nhấn mạnh rằng Linux không phải là sản phẩm tự do, Vamos cho rằng mã nguồn mở là một phương pháp phát triển mà mọi người không nên nhầm lẫn với bản chất thương mại của việc phân phối Linux. “Mã mở không phải chỉ là Linux. Nếu có chăng thì chỉ là xét theo khía cạnh Linux được phát triển bằng cách sử dụng các mô hình xây dựng mã mở”, Vamos phát biểu. “Những gì tôi muốn nói là khi nhắc đến mã mở (cụ thể là cách mô tả mã mở), mọi người nói chung đều nghĩ ngay đến Linux. Thực ra, hai đối tượng này cần phải được nhìn nhận một cách độc lập”.
Vamos cho rằng Linux đã có một vị thế đáng kể và “đang thực sự làm được một số điều tốt” cho người sử dụng, nhưng cần phân biệt rạch ròi giữa cái tên này với mã mở. “Khi nói đến cuộc đấu Linux - Windows, có nghĩa là chúng ta đang bàn về việc hệ điều hành nào phù hợp và có hiệu quả kinh tế hơn. Đây là một quyết định có tính căn bản mà khách hàng có thể tự đưa ra nếu họ được cung cấp đầy đủ thông tin”, Vamos phân tích.
Ông này khẳng định rằng nếu đây chỉ là vấn đề hai sản phẩm đối chọi với nhau thì chắc chắn Microsoft sẽ giành chiến thắng bởi vì họ là bậc thầy không phải bàn cãi về nghệ thuật quảng bá và xúc tiến bán hàng. Song, sự nhầm lẫn do những khác biệt về quan niệm nói trên đã đem lại cho Linux một sự hỗ trợ lớn và vì vậy, người không lồ phần mềm mã đóng đang quyết tâm phá vỡ những quan niệm không rõ ràng đang đem lại ưu thế cho “Chim cánh cụt”.
Quan chức của Microsoft nói thêm: “Red Hat đã từng có một câu nói rất hay: ‘Đúng! Sản phẩm của chúng tôi dựa trên mã mở nhưng điều đó không có nghĩa là nó tự do’. Thẳng thắn mà nói, nếu Microsoft thua Linux bởi vì khách hàng của chúng tôi bảo rằng sản phẩm kia đáng đồng tiền hơn thì đó quả là một sự bất hạnh. Những đơn vị cung cấp sản phẩm mã mở như Red Hat phải mở rộng các dịch vụ và cần đầu tư. Đó chính là hoạt động thương mại”. Vamos nhấn mạnh rằng sự lựa chọn giữa sản phẩm mã mở và thương mại thực sự xoay quanh việc chọn lựa sản phẩm và công nghệ nào hiệu quả nhất về kinh tế và mục đích sử dụng.
Tất nhiên, những gì mà vị lãnh đạo của Microsoft Australia phát biểu sẽ bị cười nhạo nếu ông này không có một dẫn chứng vững chắc. Tuần qua, Red Hat chính thức tuyên bố họ không còn hỗ trợ phiên bản Red Hat Linux 9. Thay vào đó, công ty này hướng tất cả người sử dụng sang nền Red Hat Enterprise Linux của họ bằng việc tung ra dịch vụ cho máy để bàn doanh nghiệp, bao gồm cả bộ OpenOffice và trình duyệt Mozilla.
Chỉ thời gian mới có thể cho biết có phải sự tự tin ngày càng tăng của Red Hat đã khiến họ đứng ra đối đầu với Microsoft quá sớm hay không. Song có một điều chắc chắn: bằng cách tỏ ra cắt đứt quan hệ với xu thế mã mở, Red Hat đã trở thành một kênh tấn công mới tiềm tàng đối với Microsoft.