Lenovo đang trong quá trình chuyển dịch từ một thương hiệu chuyên sản xuất phần cứng sang phần mềm, dịch vụ. Và sự chuyển dịch này đã khiến công ty tụt giảm lợi nhuận nghiêm trọng.
Con đường thành hãng máy tính lớn nhất thế giới của Lenovo
Lenovo vừa công bố kết quả tài chính quý IV của năm tài khóa 2014 (kết thúc vào 31/3/2015) với những con số "buồn vui lẫn lộn". Công ty xuất xưởng kỉ lục 18,7 triệu smartphone trong quý này. Thành tích này một phần nhờ vào Motorola, hãng điện thoại đến từ Mỹ mà Lenovo bỏ ra 2,9 tỉ USD mua lại từ Google. Lenovo hoàn thành việc thâu tóm Motorola vào cuối tháng 10/2014, do đó, ba tháng đầu 2015 là quý đầu tiên toàn bộ doanh số smartphone trong quý của Motorola được tính cho Lenovo.
Trong số 18,7 triệu máy có 7,8 triệu smartphone đến từ Motorola. So với quý trước, Lenovo xuất xưởng được thêm 2,7 triệu máy. Tính trong toàn bộ năm tài khóa, Lenovo cũng đạt kỉ lục xuất xưởng được 76 triệu smartphone. Lenovo phá kỉ lục ở lĩnh vực khác: Hãng xuất xưởng 60 triệu PC trong năm tài khóa. 2014 đánh dấu năm đầu tiên doanh số smartphone cao hơn PC (tính theo số lượng xuất xưởng được).
Một công ty đang "chuyển dịch"
Dù có những thành công ấn tượng, nhưng về cơ bản Lenovo vẫn đang trong quá trình "chuyển dịch". Doanh thu quý IV tăng 21% lên 11,3 tỉ USD, nhưng lợi nhuận quý chỉ đạt 100 triệu USD, giảm 37% so với cùng kì năm ngoái. Sự bết bát này chủ yếu do Lenovo phải thực hiện các điều chỉnh liên quan tới việc mua lại mảng máy chủ của IBM với giá 2,3 tỉ USD. Tính cả năm tài khóa, doanh thu Lenovo đạt 46,3 tỉ USD, tăng 20%. Tuy nhiên, tương tự như câu chuyện của quý IV, lợi nhuận năm tài khóa 2014 chỉ đạt 829 triệu USD, giảm mạnh so với năm trước, vốn đạt tới 5 tỉ USD.
Một tin vui cho Lenovo đó là kết quả kinh doanh trên vẫn đạt mức mà các nhà đầu tư kì vọng. Lenovo vẫn tiếp tục duy trì được vị trí nhà sản xuất PC lớn nhất thế giới, đồng thời đứng trong top 5 hãng sản xuất smartphone. Nhưng tương lai của Lenovo dự tính có nhiều biến chuyển.
Lenovo sẽ không còn tập trung vào PC nữa khi mà nhu cầu về máy tính đang giảm mạnh, trong khi smartphone cũng bắt đầu đạt đến điểm bão hòa ở một số thị trường trọng điểm. Theo thống kê gần đây nhất, doanh số smartphone tại Trung Quốc - thị trường lớn nhất của Lenovo - lần đầu tiên có dấu hiệu chững lại sau 6 năm. Tương lai của Lenovo, theo phát biểu của chính công ty, là dịch vụ thay vì phần cứng như trước đây.
"Xét ở góc nhìn cơ hội và thách thức trong kỉ nguyên Internet+ mới, chúng tôi đã sẵn sàng để tự chuyển dịch mình từ công ty chủ yếu về sản xuất phần cứng sang kết hợp cả phần cứng và dịch vụ phần mềm. Điều này sẽ thúc đẩy một làn sóng phát triển mới cho Lenovo trong những năm tới", Chủ tịch và CEO Yang Yuanqing của Lenovo cho biết.
Nhiều thách thức
Lenovo đã bỏ ra gần 5 tỉ USD cho 2 thương vụ lớn trong thời gian qua: Mua lại Motorola từ Google và mua lại mảng máy chủ của IBM. Với rất nhiều tiền đổ vào, rõ ràng, Lenovo rất nghiêm túc với kế hoạch của mình.
Vấn đề nằm ở chỗ con đường sẽ không "trải hoa hồng" với công ty. Tình hình kinh doanh mảng phần mềm trong những tháng gần đây không thực sự tốt. Lenovo gặp phải những scandal rất lớn liên quan tới phần mềm, điển hình là vụ cài adware lên máy tính bán ra cho người dùng khiến khách hàng có nguy cơ bị hacker đánh cắp thông tin cá nhân.
Sang tháng 5/2015, một số nhà nghiên cứu bảo mật của IOActive phát hiện ra 3 lỗ hổng bảo mật bên trong các phần mềm khác của công ty. Từng đó cũng đủ cho thấy Lenovo sẽ còn nhiều việc phải làm nếu muốn quá trình chuyển dịch của mình diễn ra thành công như kì vọng.