Trong khoảng 1 tuần trở lại đây, trên sàn giao dịch OpenSea bắt đầu xuất hiện những vật phẩm "Lan NFT" - Lan đột biến được mã hóa thành tài sản NFT để giao dịch. Thông qua hình thức đấu giá và giao dịch bằng tiền mã hóa, phổ biến nhất là đồng ETH, người mua sẽ sở hữu lan đột biến dạng kỹ thuật số, trên mạng blockchain.
Tương tự việc sưu tầm lan đột biến ngoài đời thực, chủ sở hữu “Lan NFT” có thể chứng minh mình là chủ sở hữu duy nhất của "cây lan" này.
Người ta đã sử dụng công nghệ AR để đưa những cây lan đột biến ngoài đời thực thành dạng kỹ thuật số sau đó biến chúng thành NFT bằng cách sử dụng các công nghệ như smart contract, blockchain... Người mua lan đột biến NFT không sở hữu cây thật mà chỉ sở hữu phiên bản kỹ thuật số cây lan đó và được công nhận trên mạng blockchain.
Giá trị của NFT lan đột biến trên sàn giao dịch được quyết định thông qua đấu giá. Theo lý thuyết, những dòng lan hiếm, có giá trị cao ngoài đời thực khi trở thành NFT cũng sẽ có giá trị cao.
Thời gian và số lượng NFT phát hành của các loại lan khác nhau sẽ khác nhau để tạo sự khác biệt về giá trị. Chỉ rất ít những dòng lan đột biến có giá trị càng cao sẽ được phát hành.
Ví dụ, dòng lan HO thường có giá 250 USD mỗi cây, lan Phú Thọ giá 100 USD mỗi cây, sẽ có tối đa 2.000 NFT được phát hành. Còn với các loại lan quý hiếm hơn như lan Ngọc Sơn Cước có giá 10.000 USD/cây, hay lan Cờ Đỏ 12.500 USD/cây, sẽ chỉ phát hành tối đa 100 NFT. Mỗi NFT sẽ được đánh số.
Tính đến 20/6, mới có khoảng hơn 100 NFT lan được đưa lên trên sàn OpenSea. Số lượng giao dịch cũng ít và mức đấu giá cao nhất cho một lan NFT hiện là 0,2 ETH (khoảng 10 triệu đồng).
Các chuyên gia cho rằng, trước khi quyết định mua NFT lan cũng như bất cứ loại NFT nào, người đầu tư nên cân nhắc kỹ bởi nếu được quan tâm và săn lùng giá trị của chúng có thể lên tới hàng triệu USD, nhưng cũng có thể bằng 0 nếu không được giao dịch.