iPad và máy tính bảng có cứu được báo điện tử?

Trước khi iPad và hàng loạt tablet xuất hiện, giới phân tích từng dự đoán, ngành công nghiệp xuất bản trực tuyến cần một giải pháp mới để đa dạng hóa các hình thức cung cấp sản phẩm, trong điều kiện lượng độc giả giảm mạnh, kéo theo doanh thu tụt rốc. Nhưng liệu iPad và “họ hàng” máy tính bảng có thực sự trở thành một giải pháp khả thi?


Chưa thể sớm trở thành “kho vàng” của các nhà xuất bản báo chí, nhưng tablet sẽ là chìa khóa “vượt khó” trong nay mai.

Thị trường tiềm năng

Căn cứ vào doanh số bán ra gần đây, ABI Research dự đoán, phải đến 2013, máy tính bảng mới bắt đầu trở thành thiết bị phổ thông, tương tự như laptop ngày nay. Tuy vậy, với lượng máy tính bảng có trên thị trường, đây vẫn là một hướng phát triển hấp dẫn dành cho các nhà sản xuất nội dung. Apple bán được 3 triệu chiếc iPad trong vòng 80 ngày kể từ khi ra mắt. Khả quan hơn khi khảo sát của Harrison Group cho thấy, 13% khách hàng đến từ Mỹ “hứng thú” mua một chiếc tablet trong vòng 1 năm tới. Ngoài iPad của Apple, hiện PlayBook đến từ RIM, hàng loạt máy tính bảng trên nền tảng Android như Galaxy Tab của Samsung, PalmPad của HP hoặc gương mặt mới Dell Streak…cũng đang rục rịch được tung ra thị trường.

Một tin vui cho các nhà sản xuất nội dung là hiện người dùng máy tính bảng đang tỏ ra “đói” các dịch vụ liên quan tới báo chí. Thống kê từ Harrison Group cho thấy, người dùng tablet bỏ ra thêm 75% thời gian đọc báo, 25% thời gian đọc sách.

Sắp hết thời báo điện tử miễn phí

Đến nay, đã có tới hơn 900 ứng dụng trên App Store hỗ trợ người dùng đọc tin tức (danh mục “News”), gồm cả các ứng dụng đọc feed (luồng tin), ứng dụng tuyển chọn nội dung (aggregator), các ứng dụng riêng của từng trang web.

Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên là các tờ báo lớn vẫn còn khá hững hờ với việc phát triển ứng dụng riêng hỗ trợ tablet. Ở Mỹ, hai tờ Wall Street Journal USA Today bản điện tử là lựa chọn chủ yếu dành cho người dùng iPad, trong khi phiên bản dành riêng cho tờ The New York Times cũng mới ra mắt cách đây không lâu. Ở Anh, hiện mới chỉ có The Financial Times, The Times, The Daily ExpressThe Sun có ứng dụng hỗ trợ iPad, còn tờ báo nổi tiếng The Telegraph vẫn chưa có công cụ chuyên dụng hỗ trợ tablet mà phải nhờ vào phần mềm có sự hỗ trợ của Audi, một hãng… xe hơi!

Sở dĩ hiện vẫn có các phần mềm và nội dung điện tử được cung cấp miễn phí là vì một số tờ báo muốn thu hút độc giả, tăng giá trị thương hiệu và tìm kiếm doanh thu từ quảng cáo trực tuyến. Tuy nhiên, theo chuyên gia marketing Paul Gillin, đây có thể là chiến lược sai lầm mà các báo đang mắc phải. Một khi đã cung cấp bản miễn phí, các doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi xoay sở tung ra thị trường bản trả phí sau này.

Thống kê từ Tổ chức các nhà xuất bản trực tuyến cho hay, hiện có 16 % các nhà xuất bản nội dung trực tuyến có phiên bản iPad trả phí, trong khi 60 % đang lên kế hoạch sẽ tung ra trong vòng 12 tháng tới.


Một số ứng dụng hỗ trợ đọc tin tức dành cho iPad có sẵn trên kho Apps Store.

Độc giả có sẵn sàng “vào cuộc”?

Hiện tại, các “đại gia” trong làng xuất bản điện tử vẫn tiếp tục “ém nhẹm” thông tin về tình trạng làm ăn của mình. Theo thống kê từ Mashable, hiện ứng dụng Wall Street Journal dành cho iPad được tải hơn 650.000 lần và có khoảng “vài ngàn” người dùng đăng kí trả phí, trong khi phần mềm hỗ trợ tờ The FinacialTimes được tải 400.000 lần và hiện có khoảng 10% số người dùng tải về đăng kí trả phí. Không ngạc nhiên khi phần mềm miễn phí để duyệt nội dung tờ USA Today có số lần tải về hơn 1 triệu lần.

Financial Times là tờ duy nhất tiết lộ doanh thu, với khoảng 1.5 triệu USD từ tiền quảng cáo, tính từ tháng 5 đến nay. Một thông tin hấp dẫn là các nhà quảng cáo trả giá cao gấp 5 lần thông thường cho các click trên iPad, đồng thời tỉ lệ click so với lượt hiển thị trên Pc và tablet cũng chênh lệch rất lớn, khoảng 15% và 0.10%.


Nội dung độc đáo, giá cả hợp lý sẽ giúp báo điện tử trên table hút khách.

"Kẻ thức thời là trang tuấn kiệt"

Bất kể tình hình trước mắt ra sao, đây là lúc các nhà sản xuất nội dung phải vào cuộc. Lấy iPad làm ví dụ. Nền tảng mới mẻ này rất thích hợp để đọc báo, khi xu hướng di động đang phát triển mạnh.

Tờ WST đã sẵn sàng cho cuộc đổ bộ lên các tablet, trong khi USA Today cũng chia sẻ, mục tiêu trước mắt của hãng này là nhóm người dùng thường đi du lịch, những người nghiện báo chí, tin tức thể thao, giải trí. Finacial Times, trong khi coi ứng dụng dành cho iPad là một sản phẩm bổ sung, vẫn đánh giá, sự xuất hiện của máy tính bảng đã giúp hãng này cung cấp nội dung dễ dàng hơn rất nhiều so với trước đây, ở những nơi báo in gần như không thể bén bảng tới.

Ngay cả các tờ báo địa phương cũng có thể tranh thủ tìm kiếm thêm thị trường ở ngách mới này để đầu tư xây dựng các phần mềm hỗ trợ báo điện tử của riêng mình. Máy tính bảng chính là nền tảng chìa khóa cho những cuộc bứt phá mới.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, các ứng dụng dành cho báo điện tử trên iPad vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của loại thiết bị này. Theo chuyên gia Roger Fidler, hiện là giám đốc chương trình xuất bản trực tuyến ở viện báo chí Reynold, trường đại học Missouri: “iPad sẽ tạo ra một cuộc cách mạng với ngành báo chí xuất bản ở thế kỉ 21. Tuy vậy các ứng dụng dành cho tablet phải tiếp tục cải tiến khả năng hiển thị, giúp độc giả có được những trải nghiệm thú vị hơn, nhờ khả năng tương tác trực tuyến. Ngoài ra, các phiên bản báo dành cho máy tính bảng cũng phải khác so với bản báo giấy và cả báo điện tử.

Liệu tương lai của báo chí có thể tìm thấy trên các thiết bị màn hình cảm ứng? Chưa thể có ngay câu trả lời, nhưng trong tương lai gần, các ứng dụng và dịch vụ báo chí điện tử dành riêng cho tablet sẽ trở nên phổ biến hơn. Doanh thu từ lượng độc giả đăng kí thuê bao chưa đáng kể, nhưng tiềm năng từ quảng cáo trực tuyến trên table là rất lớn. Dẫu vậy, như khẳng định của một chuyên gia trong ngành, các nhà xuất bản vẫn phải tiếp tục đầu tư phát triển báo in, ít nhất là 10 – 15 năm nữa. Báo điện tử và nguồn thu từ lượng người dùng tablet sẽ giúp các nhà sản xuất nội dung cân bằng chi tiêu, chuẩn bị cho những bước ngoặt lớn.

Thứ Bảy, 23/10/2010 15:17
31 👨 176
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp