Proview, công ty đang kiện Apple về thương hiệu iPad tại Trung Quốc đã từng dùng tên gọi này cho sản phẩm máy tính all-in-one của mình năm 1998.
iPad của năm 1998 khá giống iMac của Apple ra mắt cùng thời điểm. Ảnh: Micgadget.
Vụ kiện tụng về thương hiệu iPad tại Trung Quốc đang gây nhiều sự chú ý của dư luận liên quan đến Proview, một công ty đã sở hữu tên thương hiệu cho máy tính bảng của Apple từ khá lâu. Năm 2006, Apple đã mua lại thương hiệu iPad từ tay một chi nhánh của Proview tại Đài Loan mang tên IP Application Development với giá 55.000 USD. Tuy vậy, công ty mẹ nắm giữ thương hiệu iPad cho biết bản hợp đồng chuyển nhượng trên không bao gồm các quyền thương hiệu tại Trung Quốc.
Proview đã không chỉ đăng ký tên thương hiệu iPad mà còn sản xuất một sản phẩm mang tên này năm 1998. Một điểm khá thú vị là mẫu "iPad" nói trên lại rất giống với iMac của Apple ra mắt cùng thời điểm và không hề liên quan đến iPad của Apple hiện tại cũng như bất kỳ một mẫu máy tính bảng nào trên thị trường. Sản phẩm này cũng khó có thể coi là "copy" ý tưởng của "Quả táo" bởi nó được ra mắt cùng thời điểm trên thị trường và cũng là một mẫu máy tính all-in-one.
Proview cũng có nhiều sản phẩm mang tên có tiền tố "i". Ảnh: Micgadget.
iPad của Proview thời điểm đó mang nghĩa Internet Personal Access Device (thiết bị truy cập internet cá nhân). Sản phẩm này trang bị màn hình CRT độ phân giải 800 x 600 pixel, vi xử lý 265 MHz, 32 MB DRAM, 16 GB DOM, 2 cổng USB, 2 cổng RJ-11, LAN. Proview đã từng sản xuất từ 10 đến 20.000 sản phẩm này.
Hơn nữa, cách đặt tên với tiền tố "i" cũng được sử dụng trước đó bởi Proview với hàng loạt các thiết bị khác như máy tính xách tay, thiết bị kỹ thuật số cá nhân, đầu DVD và các thiết bị khác. Một danh sách các sản phẩm trong iFamily cũng khá phong phú và thậm chí còn nhiều hơn so với Apple hiện tại.
Proview đã kiện Apple vi phạm thương hiệu ở thị trường Trung Quốc vào năm 2011 và đòi mức phí bồi thường lên tới 10 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 1,6 tỷ USD). Nhà sản xuất iPad lúc đó đã kiện lại công ty Trung Quốc vì cho rằng mình mới đúng là chủ thương hiệu. Tuy vậy, toà án nước này đã xử Proview thắng cuộc và Apple lại tiếp tục kháng cáo.
Proview cho rằng mục đích cuối cùng của công ty là cấm Apple marketing và bán iPad tại Trung Quốc chứ không phải vì tiền và đòi nhà sản xuất iPad xin lỗi họ. Tuy nhiên, một số bản báo cáo lại cho biết Proview đang dòm ngó tiền bồi thường từ vụ kiện trên để trả nợ.