Tập đoàn International Business Machines (IBM) vừa vượt qua đối thủ Microsoft để trở thành doanh nghiệp công nghệ niêm yết có giá trị vốn hóa lớn thứ nhì thế giới. Đây được xem là một diễn biến phản ánh những thay đổi trong lĩnh vực máy tính, bao gồm sự dịch chuyển của ngành này khỏi chiếc máy tính cá nhân.
IBM vừa trở thành doanh nghiệp công nghệ niêm yết có giá trị vốn hóa lớn thứ nhì thế giới.
Theo hãng tin tài chính Bloomberg, giá trị vốn hóa thị trường của IBM đã tăng lên mức 214 tỷ USD khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 29/9. Trong khi đó, giá trị vốn hóa của Microsoft giảm xuống còn 213,2 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên IBM vượt Microsoft về giá trị vốn hóa tính trên giá cổ phiếu khi đóng cửa kể từ năm 1996.
Với thành tích này, IBM đã trở thành doanh nghiệp lớn thứ tư thế giới về giá trị vốn hóa. Trong các hãng công nghệ, IBM hiện còn chỉ thua Apple. “Quả táo” hiện là công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới, đạt 362,1 tỷ USD tính đến phiên giao dịch hôm qua.
Cách đây 6 năm, Giám đốc điều hành (CEO) Sam Palmisano của IBM đã bán lại bộ phận máy tính cá nhân cho Lenovo để tập trung vào mảng phần mềm và dịch vụ doanh nghiệp và chính phủ. Trong khi đó, mặc dù đã lấn sang các lĩnh vực quảng cáo và trò chơi trực tuyến, Microsoft vẫn tìm kiếm phần lớn lợi nhuận và doanh thu từ phần mềm hệ điều hành Windows và bộ văn phòng Office vốn được sử dụng chủ yếu trên máy tính cá nhân.
“IBM đã đi trước cả công nghệ. Họ sớm nhận thức được rằng, công nghệ điện toán sẽ vượt khỏi những chiếc máy tính cá nhân để bàn”, nhà phân tích Ted Schadler thuộc hãng nghiên cứu Forrester Research nhận xét.
Giá cổ phiếu của IBM kể từ đầu năm tới nay đã tăng 22%, trong khi giá cổ phiếu của Microsoft giảm 8,8%. Apple - đối thủ lâu năm của IBM và Microsoft trong lĩnh vực máy tính cá nhân - đã vượt Microsoft về giá trị vốn hóa trong năm nay. Như vậy, trong năm 2011 này, Microsoft đã bị cả Apple và “qua mặt” về giá trị vốn hóa.
Từ khi bán lại mảng máy tính cá nhân vào năm 2005 tới nay, dưới sự lãnh đạo của CEO Palmisano, IBM đã chi hơn 25 tỷ USD để đầu tư vào các mảng phần mềm, dịch vụ máy tính và tư vấn. Nhờ đó, lợi nhuận tính trên mỗi cổ phiếu mà IBM mang đến cho các nhà đầu tư đã tăng 30 quý liên tục.
Doanh thu của IBM đã tăng 20% trong thời gian từ 2001-2010, trong khi chi phí của công ty 426.000 nhân viên hầu như không thay đổi. Năm ngoái, doanh thu của IBM đạt 99,9 tỷ USD, trong đó một nửa đến từ mảng dịch vụ.
IBM hiện là nhà cung cấp dịch vụ máy tính lớn nhất thế giới, và tin chắc có thể gia tăng doanh thu thêm 25 tỷ USD nữa trong thời gian từ nay đến năm 2015. Hãng đang tiếp tục mở rộng hoạt động ở các thị trường mới nổi cũng như các mảng phân tích, điện toán đám mây và sáng kiến Smarter Planet nhằm kết nối các hệ thống đường bộ, điện lưới và các cơ sở hạ tầng khác tển thế giới với Internet.
“Công nghệ điện toán giờ được sử dụng ở những thứ mà không ai nghĩ là máy tính. Công nghệ đó không chỉ được sử dụng ở máy chủ, máy tính cá nhân, điện thoại thông minh, máy nghe nhạc MP3, máy tính bảng… mà còn được áp dụng ngày càng phổ biến ở các thiết bị gia dụng, ôtô, điện lưới, đường bộ, đường sắt, đường thủy…”, CEO Palmisano phát biểu trong một sự kiện hồi tháng 2.
Hồi năm 2000, Microsoft có giá trị vốn hóa lớn gấp 3 lần IBM. Vào tháng 7/2000, Microsoft đạt giá trị vốn hóa trên 430 tỷ USD. Đến tháng 3/2009, giá trị vốn hóa của hãng này lao dốc còn 135 tỷ USD cùng với suy thoái kinh tế trước khi hồi phục trở lại. Hiện Microsoft vẫn là hãng phần mềm lớn nhất thế giới.
Trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 6/2011, Microsoft đạt doanh thu 69,9 tỷ USD, trong đó khoảng 60% đến từ Windows và Office. Theo nhà phân tích Schadler, Microsoft đang rơi vào thế bí vì họ đã quá thành công trong mảng máy tính cá nhân đến mức khó gặt hái thành công ở những lĩnh vực mới như tìm kiếm trực tuyến, quảng cáo, phần mềm điều hành di động...