Quản Trị Mạng - Máy tính bảng Kindle Fire thường xuyên nhận được cập nhật từ Amazon, giúp thiết bị bổ sung thêm chức năng, tăng cường bảo mật và cải thiện tính ổn định. Những bản cập nhật được gửi tới thiết bị thông qua mạng không dây.
Nhưng, nếu bạn là một trong số rất nhiều chủ sở hữu Kindle Fire đã thực hiện chiếm quyền (root) thiết bị để tận dụng thêm tính năng (như truy cập Google Play) thì, các bản cập nhật cần phải bị chặn.
May mắn là, có một vài ứng dụng cài đặt trên Kindle Fire cho phép ngăn chặn những bản cập nhật trong tương lai.
Root và Update
Khi root Kindle Fire, người dùng được toàn quyền truy cập file và thư mục mà trước đó bị cấm. Thuật ngữ “root” thể hiện mức độ truy cập đạt được. Những ứng dụng nhất định (như quản lý file) yêu cầu mức truy cập này để có thể sử dụng chúng. Đó là lý do tại sao chúng ta root thiết bị. Đây là cách được áp dụng nhiều cho các thiết bị Android, giúp chủ sở hữu mở rộng khả năng máy (Hệ điều hành của Kindle Fire dựa trên Android 2.3) giống như jailbreak cho người dùng iPhone vậy.
Khi cập nhật Kindle Fire, thiết bị sẽ tải về một phiên bản hệ điều hành mới và sử dụng cho máy tính bảng. Kết quả là những nỗ lực root thiết bị trước đó sẽ trở nên vô nghĩa và người dùng phải thực hiện chiếm quyền lại sau khi cập nhật.
Mặc dù hiện tại có rất nhiều công cụ cho phép root thiết bị nhanh chóng, nhưng tránh các bản cập nhật vẫn là lựa chọn khôn ngoan, ít nhất là cho đến khi tìm được giải pháp chiếm quyền cho phiên bản Kindle Fire OS cập nhật mới.
Ảnh hưởng
Rõ ràng là Amazon muốn phát hành cập nhật để tăng cường trải nghiệm media cho người dùng (sách, video và nhạc) nhưng điều này không có nghĩa rằng việc cập nhật là cần thiết. Sau cùng thì Kindle Fire vẫn hoạt động tốt mà không cần bản cập nhật mới nhất sau khi được root.
Có thể thấy rằng, mặc dù các bản cập nhật cũng quan trọng nhưng chúng không mang ý nghĩa sống còn. Không phải tất cả người dùng đều được kết nối Wi-Fi mọi lúc, và bản chất của bất kỳ eBook Reader nào (không phân biệt có phải máy tính bảng hay không) đó là nó có thể lưu ebook ngoại tuyến vì thế người dùng có thể đọc những cuốn sách được lưu trên máy.
Chặn cập nhật Kindle Fire
Nếu đã root Kindle Fire và muốn chắn các bản cập nhật trong tương lai, ta sẽ cần chặn quá trình tải về và cài đặt cập nhật.
Cách hữu hiệu nhất là sử dụng tường lửa. Nếu đã chiếm quyền thiết bị, người dùng có thể sử dụng tính năng DroidWall, một ứng dụng tường lửa miễn phí yêu cầu quyền truy cập gốc.
Sau khi tìm thấy ứng dụng, hãy tải về và cài đặt lên thiết bị. Khởi chạy ứng dụng để xem danh sách White List.
Tại đây, danh sách tất cả những dịch vụ cần truy cập Internet sẽ xuất hiện dưới hai cột cho Wi-Fi và 3G. Với Kindle Fire, người dùng có thể bỏ qua 3G (do thiết bị chỉ có Wi-Fi), do đó tích hoặc bỏ dấu tích trong cột Wi-Fi. Bất kỳ ứng dụng hay dịch vụ nào trong danh sách trắng được truy cập Internet sẽ tiếp tục hoạt động bình thường. Cái ta cần thực hiện là chặn chương trình Android Device Client Platform (ADCP) để chương trình không truy cập được Internet tìm cập nhật. Vì vậy, bỏ dấu tích tại hộp chương trình.
Sau khi chọn xong, nhấp Menu -> Firewall disabled để kích hoạt ứng dụng.
Kết luận
Bạn đã từng root chiếc Kindle Fire của mình chưa? Nếu đã từng thì bạn có thể nhận thấy nó sẽ mất hoàn toàn tác dụng khi thiết bị được cập nhật. May mắn là ta có thể ngăn chặn cài đặt cập nhật thông qua ứng dụng tường lửa trên Android.
Mặc dù có những hệ lụy từ việc không cập nhật cho máy tính bảng khi được yêu cầu, nhưng tầm quan trọng của việc giữ lại quyền truy cập gốc có thể mang lại nhiều giá trị hơn những bản cập nhật này.