Samsung tung ra nhiều điện thoại chạy hệ điều hành Bada của chính hãng, và HTC cân nhắc việc mua WebOS, phải chăng các “ông lớn” điện thoại đang muốn rời bỏ Android?
Samsung Wave
Samsung vừa giới thiệu một dòng điện thoại Wave mới sử dụng hệ điều hành (HĐH) Bada của chính hãng, trong khi đó nhà sản xuất HTC của Đài Loan có vẻ muốn noi gương Samsung với ý định mua lại nền tảng WebOS của HP. Hôm 18/8, HP đã công bố khai tử dòng thiết bị WebOS của mình, bao gồm máy tính bảng HP TouchPad và chiếc smartphone HP Pre 3 chưa kịp đáp xuống thị trường.
Các công ty có lẽ bắt đầu lo ngại về Android sau khi Google công bố mua lạ Motorola, một trong những đối thủ cạnh tranh chính của họ. Từ khi tạo ra Android, Google đã lôi kéo các nhà sản xuất với việc cấp phép các bản cập nhật mới của phần mềm, phát hành mã cho các đối tượng khác sau 6 tháng.
Google đang có nguy cơ bị các nhà sản xuất xa lánh, nhưng Carolina Milanesi, Phó chủ tịch nghiên cứu của hãng Gartner, cho PC World biết vào tháng trước: “Các nhà sản xuất sẽ không nhanh chóng từ bỏ nền tảng này, vì họ đã đầu tư vào đây quá nhiều”.
Tín hiệu “ra riêng”
Samsung giới thiệu chiếc điện thoại đầu tiên chạy Bada vào năm 2010, khá lâu trước khi xảy ra thương vụ Google-Motorola. Hầu hết các phản hồi với nền tảng Bada, mà những chiếc điện thoại Samsung Wave đang chạy, đều mang tính tích cực.
HĐH chạy trên Wave theo đánh giá của PC World là "sạch", dễ sử dụng, và là nguồn mở. Và Samsung đã xây kho ứng dụng riêng cho Bada. Các thông số kỹ thuật của điện thoại Wave cũng hấp dẫn, bao gồm màn hình Super AMOLED, khả năng quay video HD, sử dụng bộ xử lý Hummingbird.
Bà Cher Wang, chủ tịch HTC.
Trận địa HĐH di động khá mới mẻ với HTC, nhưng chủ tịch công ty Cher Wang nói với báo giới Trung Quốc trong tuần này rằng, nội bộ công ty đang thảo luận về khả năng mua lại WebOS. Dù vậy, Wang vẫn kín đáo về tầm quan trọng của HĐH riêng đối với HTC. “Chúng tôi có thể sử dụng bất kỳ HĐH nào chúng tôi muốn. Chúng tôi có khả năng tạo ra những điều khác biệt so với các đối thủ của mình ở lớp thứ 2 hay 3 của nền tảng”, Wang nói, ám chỉ tới giao diện Sense của HTC.
Nếu HTC hoặc một nhà sản xuất điện thoại khác mua lại và hồi sinh WebOS, họ sẽ có được một lượng fan (dù ít) trung thành của Palm. HP đã mua Palm vào năm 2010 và biến nền tảng di động này thành nền tảng cho nhiều sản phẩm.
Tháng trước, Samsung đã thổi bùng ngọn lửa Bada với việc công bố loạt điện thoại Wave sẽ được xuất xưởng với Bada 2.0. Phiên bản HĐH này hỗ trợ đa nhiệm hoàn toàn, khả năng giao tiếp NFC, và ChatON – dịch vụ nhóm tin mới của Samsung hỗ trợ đa nền tảng.
Một dấu hiệu quan trọng khác của Samsung đối với Bada: Công ty không chỉ tung ra model cao cấp mới Wave 3 với bộ xử lý 1,4GHz mà bên cạnh đó còn thêm hai phiên bản Wave M và Wave Y, giá thấp hơn với các thông số kỹ thuật giảm xuống chút ít. Động thái này là một nỗ lực của công ty nhằm phổ biến Bada tới đối tượng người dùng “nghiện” smartphone.
Điều này có nghĩa gì với người tiêu dùng?
“Những động thái trên cho thấy cả hai công ty đều hiểu rằng tương lai không chỉ thuộc về phần cứng”, nhà phân tích John Jackson của CCS Insight cho biết.
Ví dụ như trường hợp của Samsung, Jackson nói, một trong những khả năng là công ty tìm thứ gì đó vượt qua các nền tảng, cho phép tích hợp các thiết bị di động của hãng và nhiều sản phẩm giải trí gia đình. Cũng như Apple và Google tìm cách sử dụng lợi thế của họ trong thế giới di động để thâm nhập vào phòng khách, Samsung có thể sử dụng Bada để có gắng thiết lập mối liên kết chặt chẽ giữa thiết bị di động và các hệ thống giải trí gia đình.
Jackson bổ sung thêm, HĐH riêng đem đến cho các hãng như HTC và Samsung điều mà họ thiếu với Android là: Kiểm soát. Hơn nữa, ông chỉ ra những vấn đề của các công ty này là khả năng xung đột với Google thậm chí cả khi chưa có thương vụ Google - Motorola.
“Một lúc nào đó, nếu chiến lược của bạn nhắm tới nội dung và dịch vụ, bạn có lẽ sẽ phải cạnh tranh với Google. Có thể hóa giải nguy cơ này như thế nào là câu hỏi đặt ra cho các công ty này”, Jackson nói.
Thế giới có cần nhiều HĐH di động?
Bada và WebOS có thể ngăn chặn các nguy cơ đó. Nhưng vẫn còn có câu hỏi: Nhiều HĐH hơn để chọn có phải là điều tốt cho người tiêu dùng?
Cạnh tranh nhìn chung dẫn tới các sản phẩm tốt hơn cho thị trường, nhưng cũng phải chờ cho đến khi có những kẻ bị loại vì yếu thế, và quá trình đó có thể gây ra những đổ vỡ. Sự hiện diện của nhiều nền tảng hơn, nhiều cửa hàng ứng dụng hơn, và nhiều giao diện hơn dường như là một bước thụt lùi đối với nhiều người đang do dự sử dụng Android, iOS, BlackBerry OS, hay Windows Phone 7.
Hãy hình dung một cửa hàng trưng bày đầy những chiếc điện thoại và máy tính bảng chạy iOS, Android, QNX hay BlackBerry OS của RIM, Bada, Windows Phone 7, và WebOS, chưa kể máy tính bảng Amazon chạy Android hay một nhãn hiệu nào đó bất ngờ xuất hiện, như Huawei OS chẳng hạn. Khách hàng hẳn sẽ hoa mắt khi chọn mua.
Theo Jackson, cùng với đà phát triển của di động, việc có hay không một HĐH giành được chiến thắng trong cuộc chiến smartphone không phải là điều quan trọng. Với nhiều công ty hơn sử dụng các công nghệ mới như HTML 5 cho nội dung, ông cho rằng các HĐH di động sẽ không tạo ra các smartphone cá nhân nổi bật trong tương lai như đã từng xảy ra.
Với Samsung, có lẽ hãng đã sẵn sàng: Khi Bada 2.0 lần đầu xuất hiện trên điện thoại Wave vào mùa Thu này, nó được trông đợi sẽ hỗ trợ đầy đủ HTML 5.