Để có thể phát triển rộng rãi nhà thông minh cho người sử dụng, các nhà cung cấp dịch vụ sẽ phải cần đến một lượng địa chỉ Internet rất lớn cho các thiết bị như tivi, tủ lạnh, điều hòa..., điều mà với lượng địa chỉ IPv4 ít ỏi còn lại không thể thực hiện và đây sẽ là cơ hội để "kích cầu" chuyển đổi sang thế hệ địa chỉ mới IPv6.
Tại Hội thảo “IPv6, công nghệ và ứng dụng với Việt Nam” diễn ra ngày 31/5, đại diện VNPT cho biết, theo lộ trình kế hoạch triển khai của VNPT, đơn vị này sẽ triển khai thử nghiệm các dịch vụ cơ bản như email, web, VPN, LTE... trên nền IPv6 vào năm 2013-2014 và các dịch vụ khác như IPTV, VoIP, hội nghị truyền hình... vào năm 2015-2017 bên cạnh việc tiếp tục các nghiên cứu công nghệ liên quan đến IPv6.
Tương tự VNPT, đại diện các nhà cung cấp dịch vụ Internet khác cũng chỉ đưa ra những dịch vụ cơ bản như email, web hay hosting... trên nền IPv6 trong thời gian tới.
Tuy nhiên, ông Trần Bá Thái, Phó Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho biết, nếu chỉ cung cấp các dịch vụ cơ bản trên nền IPv6 thì rất khó "kích cầu", đẩy nhanh việc chuyển đổi IPv6 do chưa có những dịch vụ khiến người dùng thấy "bức xúc" vì không thể sử dụng được trên nền IPv4.
Hiện nay đa số người dùng không quan tâm và không biết gì về IPv6, ví đó như là việc của các nhà mạng, các nhà cung cấp dịch vụ, các nhà sản xuất thiết bị đầu cuối phải đảm bảo cho máy tính, smartphone, máy tính bảng... truy cập mạng bình thường vì người dùng chỉ có nhu cầu nghe gọi, đọc báo, email.... Tuy nhiên, do hiện tại ở Việt Nam có rất nhiều người sử dụng smartphone, nếu họ có thể sử dụng smartphone để điều khiển nhà thông minh như xem camera ở nhà, bật bình nóng lạnh, điều khiển tivi... từ xa qua Internet, điều mà các dịch vụ trên nền IPv4 không thể thực hiện được vì thiếu địa chỉ Internet và khi đó người dùng sẽ thấy được sự cấp thiết của địa chỉ IPv6. Nhà mạng nào chậm chuyển đổi sang IPv6 thì sẽ mất cơ hội kinh doanh ở lĩnh vực này. "Số lượng smartphone đang gia tăng từng ngày, các nhà mạng nên nhìn thấy cơ hội và đi trước", ông Thái nhấn mạnh.
Cùng quan điểm với ông Thái, đại diện NTT Communications cho biết, khi người dùng có thể kiểm soát được các thiết bị gia dụng ở nhà theo ý muốn như điều khiển tivi tự động ghi lại chương trình yêu thích, bật máy điều hòa làm mát... thì khi đó người dùng sẽ thấy IPv6 thực sự thay đổi cuộc sống của họ và có nhu cầu sử dụng các dịch vụ trên nền IPv6, điều mà dịch vụ trên nền IPv4 không làm được.
Khái niệm ngôi nhà số thông minh vốn khá phổ biến ở các nước công nghệ cao và du nhập sang các quốc gia có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đang phát triển. Một ngôi nhà thông minh hay còn gọi là ngôi nhà số là một giải pháp điều khiển tích hợp cho các căn hộ cao cấp, tích hợp các thiết bị điện tử, nghe nhìn, truyền thông thành một hệ thống hoàn chỉnh và thống nhất, có thể tự vận hành tất cả các hệ thống một cách tự động theo chương trình đã cài đặt hoặc theo điều khiển từ xa của người dùng thông qua điện thoại di động sử dụng mạng 3G hay Internet. Ở Việt Nam hiện nay, bên cạnh các công ty nước ngoài, 2 đơn vị trong nước là FPT và Bkav cũng đã cung cấp dịch vụ ngôi nhà thông minh cho khách hàng.
Mới đây, tổ chức hosting tên miền cấp cao RIPE NCC đã công bố đánh giá về mức độ triển khai IPv6 tại các quốc gia, khu vực trên toàn cầu. Theo đó, top 3 nước có tỷ lệ mạng lưới được đánh giá có khả năng đáp ứng lưu lượng IPv6 lớn nhất gồm Na uy (49,3%), Hà Lan (43,6%) và Malaysia (37,1%). Việt nam được cho là quốc gia không ổn định về kết quả đánh giá mức độ sẵn sàng với IPv6. Tuy nhiên, tại thời điểm tháng 5/2012, Việt Nam cũng được đánh giá với mức độ 12% mạng lưới có khả năng đáp ứng với lưu lượng IPv6.
IPv6 là địa chỉ Internet thế hệ mới với thiết kế chiều dài 128 bit cho phép đánh số địa chỉ Internet lên tới con số gần như vô hạn so với 4,3 tỷ địa chỉ của IPv4. Một số nhà phân tích tính toán và kết luận rằng, cho dù sử dụng như thế nào, chúng ta cũng không thể dùng hết địa chỉ IPv6.