Khó ai có thể ngờ là “triều đại” của HDMI lại ngắn ngủi đến thế. Dự kiến, chuẩn giao tiếp này chỉ còn tồn tại khoảng 1 năm nữa trước khi chính thức bị thay thế.
HDBaseT - chuẩn giao tiếp "tất cả trong một" sẽ xuất hiện vào cuối năm 2010.
Kẻ “cướp ngôi” của HDMI (High-Definition Multimedia Interface – chuẩn giao tiếp đa phương tiện độ nét cao) có tên là HDBaseT được phát triển bởi liên minh các nhà sản xuất sản phẩm điện tử lớn nhất thế giới gồm có Sony, Samsung, LG và Valens.
Theo tuyên bố mới nhất từ chính liên minh này, họ đã thành công trong việc phát triển một chuẩn giao tiếp mới có thể thay thế cho tất cả những chuẩn giao tiếp hiện nay trên các thiết bị điện tử như TV, đầu phát video, máy tính… Không chỉ có khả năng truyền tải tín hiệu ở dạng âm thanh (audio), hình ảnh (video) mà HDBaseT còn có thể truyền tải các tín hiệu mạng (thay thế các chuẩn Cat5e/6 LAN hay RJ-45), đóng vai trò là một cổng kết nối USB hay thậm chí là truyền tải điện năng… thông qua một dây cáp duy nhất.
Phiên bản 1.0 (HDBaseT ver. 1.0) đã chính thức hoàn thiện và đang được liên minh này đệ trình lên các cơ quan quản lý tiêu chuẩn, xin cấp phép. Dự kiến HDBaseT sẽ bắt đầu được ứng dụng trên các thiết bị điện tử kỹ thuật số từ cuối năm 2010, nhưng các thành viên của liên minh cho rằng chắc chắn nhất là sang đến năm 2011, chuẩn giao tiếp “tất cả trong một” này sẽ được ứng dụng một cách ồ ạt.
Không chỉ có khả năng thay thế các cổng giao tiếp hiện tại, HDBaseT còn vượt trội ở khả năng truyền tải tín hiệu ở khoảng cách lớn hơn mà không làm suy giảm chất lượng tín hiệu. Theo tiết lộ của các chuyên gia kỹ thuật trong liên minh, HDBaseT có khả năng đưa tín hiệu đến thiết bị ở khoảng cách tối đa là 100m trong khi các chuẩn giao tiếp khác chỉ có thể đảm bảo chất lượng tín hiệu ở phạm vi vài mét hoặc 15m đối với HDMI.
Trong khả năng truyền tải điện, HDBaseT có thể cung cấp một nguồn điện có công suất 100W – đủ để “nuôi” một chiếc TV thông thường từ một thiết bị khác.
Nếu kết nối mạng (LAN hoặc Internet), HDBaseT ver. 1.0 có thể truyền tải tín hiệu 100Mb/s (tương đương với tốc độ của chuẩn giao tiếp Ethernet hiện nay) nhưng trong tương lai nó có thể đảm bảo tốc độ của tín hiệu mạng được truyền đi với tốc độ lên tới 1Gb/s. Khi truyền tải các tín hiệu video, HDBaseT 1.0 có thể đảm bảo tốc độ 10,2 Gb/s nhưng trên lý thuyết nó có thể lên tới tốc độ 20 Gb/s.
Để có thể đủ sức thay thế HDMI, các chuyên gia kỹ thuật còn cho biết HDBaseT hiện nay có băng thông tương đương với HDMI 1.4 nhưng không chỉ có khả năng truyền tải tín hiệu video ở độ phân giải 1080p mà còn có thể truyền tải các hình ảnh ở chuẩn 3D lập thể (stereoscopic 3D).
Khi HDBaseT chính thức ra đời, đó sẽ là "ngày tàn" của các chuẩn giao tiếp
khác kể cả HDMI (Ảnh minh họa)
“Khi HDBaseT ra đời, người dùng tất cả các loại thiết bị hiện nay như máy quay kỹ thuật số (DVR), đầu phát video Blue-ray, máy chơi game, máy tính hay các thiết bị di động khác… hoàn toàn có thể yên tâm rằng chúng sẽ “nói chuyện” được với nhau ở bất kỳ đâu và bất kỳ khi nào”, Ariel Sobelman – chủ tịch của Liên minh nói.
Ông Ariel Sobelman còn nhấn mạnh rằng, HDMI sẽ là “nạn nhân” đầu tiên của HDBaseT.
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, HDMI là chuẩn giao tiếp cho phép truyền tải tín hiệu kỹ thuật số ở dạng không nén (chất lượng cao), được phát triển bởi liên minh các hãng điện tử Hitachi, Matsushita, Philips, Sony, Toshiba… HDMI bắt đầu được phát triển từ ngày 16/4/2002. Theo In-Stat, riêng trong năm 2009, thế giới đã tiêu thụ khoảng 394 triệu thiết bị có sử dụng chuẩn HDMI. Năm 2008, PC Magazine đã gọi HDMI là “Sự sáng tạo làm thay đổi thế giới”.
Ngày nay, rào cản lớn nhất ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành công nghiệp điện tử toàn cầu là hiện nay vẫn còn tồn tại quá nhiều các chuẩn giao tiếp khác nhau. Việc hợp nhất các chuẩn giao tiếp là vấn đề đã được đặt ra từ lâu nhưng dường như bài toán đó đến nay mới có lời giải với sự ra đời của HDBaseT.