Beeline đã xác nhận là GTEL Mobile sẽ ngừng sử dụng thương hiệu Beeline sau 6 tháng nữa. Hiện GTEL Mobile chưa có bất cứ thông tin gì về phương án thay thế thương hiệu.
GTEL vừa tuyên bố mua toàn bộ 49% cổ phần mạng Beeline của đối tác VimpelCom (mạng di động lớn thứ 2 của Nga). Theo đó, GTEL Mobile trở thành công ty 100% vốn của các cổ đông trong nước. Cũng trong chiều ngày 23/4, Beeline đã xác nhận là GTEL Mobile sẽ ngừng sử dụng thương hiệu Beeline sau 6 tháng kể từ khi chuyển giao.
Hiện GTEL chưa công bố phương án thay thế thương hiệu Beeline. Năm 2009, thương hiệu Beeline được đánh giá vào khoảng 8,9 tỷ USD và lọt vào top 100 thương hiệu đắt giá nhất hành tinh và top 10 tên tuổi đắt giá nhất trên thị trường viễn thông (Theo hãng nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới Millward Brown Optimor)
Nhiều vị trí nhân sự cấp cao của Vimpelcom đang làm việc tại Beeline đã về nước. Quá trình chuyển giao của Vimpelcom và GTEL bắt đầu được tiến hành.
Khi khai trương Beeline tại Việt Nam, VimpelCom cho biết họ nắm giữ 40% cổ phần tương đương khoản đầu tư tài sản 267 triệu USD trong mạng di động này. Vimpelcom cũng loan tin sẽ đầu tư 1 tỷ USD vào mạng di động ở Việt Nam và coi Việt Nam là bàn đạp để mở rộng thị trường châu Á. VimpelCom còn nuôi tham vọng trong vòng 15 năm sẽ thu hút khoảng 20 triệu thuê bao di động.
Tháng 4/2011, tập đoàn VimpelCom đã đạt thỏa thuận với Tổng công ty Viễn thông Di động Toàn cầu (GTEL) về kế hoạch đầu tư tài chính cho Liên doanh GTEL - Mobile. Cụ thể, VimpelCom sẽ đầu tư thêm 500 triệu USD từ nay đến hết năm 2013. Khoản góp vốn đầu tiên trị giá 196 triệu USD đã được VimpelCom đầu tư vào liên doanh, nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông này trong GTEL - Mobile từ 40% lên 49%. Toàn bộ các khoản đầu tư sẽ được sử dụng cho sự phát triển của liên doanh GTEL - Mobile.
Khoản đầu tư còn lại trị giá 304 triệu USD sẽ được thực hiện trong bước tiếp theo nếu Liên doanh GTEL - Mobile đạt được những mục tiêu kinh doanh nhất định cũng như nhận được sự chấp thuận cần thiết của các cơ quan có thẩm quyền. Khi đó, lợi ích kinh tế của Tập đoàn VimpelCom sẽ tăng từ 49% lên 65%. Với khoản đầu tư mới này, tổng số vốn đầu tư của Tập đoàn VimpelCom dành cho hoạt động tại Việt Nam có thể lên tới 1 tỷ USD, bao gồm cả khoản đầu tư đã thực hiện trước đó.
Trước đó, ông Michael Cluzel, tân Tổng giám đốc GTel-Mobile cho biết, trong 1 năm tới, Beeline dự định xây dựng thêm 5.000 trạm phát sóng trên toàn quốc, nâng tổng số điểm bán hàng lên 50.000 và mở rộng tổng số nhân viên Beeline lên tới 1.000 người. Ở Việt Nam có 2 nhóm viễn thông. Một là nhóm gồm 3 đại gia lớn như VinaPhone, Viettel và MobiFone. Thứ hai là nhóm 4 thương hiệu nhỏ gồm Beeline, Vietnamobile, S-Fone và EVNTelecom. “Beeline chưa đủ sức để cạnh tranh với nhóm đại gia, song sẽ đặt mục tiêu trở thành đơn vị đứng đầu trong nhóm thứ hai”, ông Michael Cluzel nói.