Bên cạnh một loạt các dự án phát triển máy học được đánh giá cao trong thời gian gần đây, Google hôm nay cũng đã chính thức công bố một nền tảng mới, hỗ trợ cho việc xây dựng các thiết bị phần cứng thông minh với AI tích hợp có tên Coral. Coral hiện đang bước vào phiên bản beta công khai, và nổi lên như một giải pháp đầu cuối hữu ích cho các nhà phát triển trong việc tạo ra phần cứng IoT, từ khâu dựng nguyên mẫu đến sản xuất thương mại.
Coral cung cấp một bộ công cụ AI cục bộ hoàn chỉnh, giúp bạn dễ dàng phát triển ý tưởng của mình từ nguyên mẫu đến sản xuất. Nó bao gồm các thành phần phần cứng, công cụ phần mềm và cả nội dung giúp bạn tạo, huấn luyện và chạy các mạng thần kinh (neural networks - NNs) cục bộ trên thiết bị của mình.
Bản chất cốt lõi của bộ công cụ AI cục bộ này xuất phát từ ý tưởng cho các tình huống ngoại tuyến, khi mà khả năng kết nối bị hạn chế, trong khi các thiết bị công suất thấp này lại phải vận hành với ứng dụng nhúng. Ngoài ra, lợi ích thiết thực khác của bộ công cụ này nằm ở chỗ nó có thể lưu trữ dữ liệu người dùng một cách an toàn và riêng tư hơn trên thiết bị. Nhìn chung, Coral được thiết kế để chạy TensorFlow Lite, một phiên bản framework AI mã nguồn mở rất phổ biến của Google, vốn cũng được xây dựng lại cho các thiết bị có công suất thấp.
Coral được sử dụng với Edge TPU, cũng như thiết kế đặc biệt để chạy trong cái gọi là điện toán cạnh (edge computing) - thị trường mà nhiều chuyên gia tin rằng còn có thể có quy mô lớn hơn cả điện toán đám mây.
Được thiết kế bởi Google, ASIC nhỏ này cung cấp khả năng suy luận ML hiệu suất cao - như các mô hình thị giác di động (mobile vision) ở tốc độ 100+ FPS - cho các thiết bị có công suất thấp.
Khi ra mắt chính thức, Coral sẽ mang đến cho các nhà phát triển 5 sản phẩm tiện ích, hỗ trợ từ việc tăng cường và cải thiện các thiết kế hiện có đến cuối cùng là mở rộng quy mô sản xuất, bao gồm:
- Coral Dev Board: Máy tính bo mạch đơn với mô-đun hệ thống có thể tháo rời (SOM), cùng với Edge TPU, cũng như Wi-Fi, Bluetooth, RAM và bộ nhớ eMMC.
- Bộ gia tốc USB (USB Accelerator): Một phụ kiện USB được trang bị Edge TPU, mang lại khả năng suy luận ML cho các hệ thống hiện có. Ngoài ra, nó cũng có thể được tích hợp dễ dàng vào bất kỳ hệ thống Linux nào (bao gồm cả Raspberry Pi) thông qua kết nối USB 2.0 và 3.0.
- Camera: Hệ thống máy ảnh theo dạng ô-đun tương thích, độ phân giải 5 megapixel.
- Bộ gia tốc PCI-E (PCI-E Accelerator): Thiết bị PCI-E giúp tích hợp Edge TPU vào các hệ thống hiện có một cách dễ dàng hơn.
- System-on-Module (SOM): Một hệ thống tích hợp đầy đủ trong một, được thiết kế dưới dạng mô-đun có thể cắm, với kích thước 40mm x 40mm.
Coral sẽ có khả năng tương thích tốt với các công cụ phần mềm khác của Google như TensorFlow và TensorFlow Lite, cũng như Google Cloud IoT trong việc quản lý thiết bị được kết nối. Bên cạnh đó, công cụ này còn có thể hoạt động trong nhiều dự án với quy mô đa dạng, từ khởi nghiệp đến sử dụng trong các doanh nghiệp lớn.