Google hoãn cuộc gặp với các tác giả Trung Quốc để dàn xếp về bản quyền sách số mà không đưa ra lý do trong khi tuyên bố khả năng rút lui khỏi thị trường Trung Quốc.
Theo kế hoạch, hôm 12/01 là ngày đại diện của Google làm việc với nhóm đại diện cho các tác giả Trung Quốc để thu xếp vụ bản quyền. Google bị cáo buộc quét hàng chục nghìn cuốn sách của các tác giả Trung Quốc mà không xin phép. Các tác giả Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng dọa kiện Google. Sự việc gần đây thu hút được sự chú ý của truyền thông thế giới khi Google xin lỗi các tác giả Trung Quốc vào ngày 10/1 trong một phóng sự đăng trên đài truyền hình quốc gia CCTV.
Tuy nhiên, cuộc họp hôm thứ Ba (12/01) đã bị hủy bỏ theo đề nghị của Google và Google cũng không hứa hẹn ngày hai bên sẽ gặp lại. Cùng ngày trên blog chính thức của mình, một Phó Chủ tịch viết về khả năng rút khỏi Trung Quốc và sự kiện này ngay lập tức làm lu mờ diễn biến giải quyết tranh chấp bản quyền giữa Google với tác giả Trung Quốc.
CEO Google Eric Schmidt công bố thương hiệu Google Trung Quốc ở Bắc Kinh năm 2006. (Ảnh: MSNBC) |
Thực tế, nếu Google đóng cửa văn phòng ở Trung Quốc không ảnh hưởng lớn đến doanh thu của Google. Thị phần tìm kiếm của Google ở Trung Quốc thua xa so với công cụ tìm kiếm Trung Quốc Baidu. Và mặc dù Trung Quốc có số người sử dụng Internet lớn nhất thế giới nhưng thị trường quảng cáo Internet vẫn còn rất nhỏ. Theo ước tính của các nhà phân tích của Goldman Sachs, doanh thu Google ở đại lục chỉ chiếm khoảng 1% tổng doanh thu của Google.
Nhưng tuyên bố rút khỏi thị trường Trung Quốc vào thời điểm này lại giúp Google “một mũi tên bắn trúng hai đích”: Dùng dư luận gây sức ép với Trung Quốc nhân nhượng Google về kiểm duyệt loại bỏ kết quả tìm kiếm khiêu dâm – điều mà trước đó Google đã chấp nhận để “đóng góp có ý nghĩa và tích cực” vào sự phát triển ở Trung Quốc đồng thời “hạ nhiệt” mũi dùi vào vụ Google chôm bản quyền sách của các tác giả Trung Quốc.
Về mũi tên thứ nhất, Google đã đạt được mục đích khi hầu như đồng thời, tất cả các hãng thông tấn, tờ báo nổi tiếng thế giới đồng loạt đưa tin Google dọa rút khỏi Trung Quốc và thậm chí, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã lên tiếng đề nghị Trung Quốc giải thích việc hack email mà Google phát biểu với báo chí. Còn vụ thu xếp bản quyền sách với tác giả Trung Quốc, hôm 13/01 chỉ còn các báo Trung Quốc đưa tin.
Nhiều ý kiến cho rằng Google không đe dọa suông nhưng Google cũng khó nhận được sự nhượng bộ của chính quyền Trung Quốc về kiểm duyệt kết quả tìm kiếm. Google có rút khỏi Trung Quốc thì trước mắt không bị tác động nhiều nhưng về chiến lược lâu dài có thể phải cân nhắc vì Trung Quốc là một thị trường khổng lồ mà không ‘đại gia’ nào muốn bỏ qua. Và người thắng cuộc trong sự ra đi của Google không ai khác chính là các đối thủ của Google ở Trung Quốc như Baidu, Tencent…