Ngày 14/10 vừa qua, Facebook đã đưa ra thông báo cho biết công ty đang tập trung nghiên cứu các công cụ AI có thể nghe, nhìn, ghi nhớ và phân tích mọi thứ người dùng làm qua video góc nhìn thứ nhất trên kính thông minh để gợi ý cho họ các thao tác sẽ làm.
Dự án này có tên gọi là Ego4D sẽ ghi lại hình ảnh, âm thanh và hoạt động của người dùng nhằm giúp họ phát triển một số kỹ năng, như "trí nhớ theo giai đoạn" (gợi ý lại thông tin), "ghi lại âm thanh, hình ảnh" (mở lại video, ảnh đã lưu) hay "tương tác xã hội" (giúp nghe rõ cuộc nói chuyện của người đối diện).
Facebook khẳng định rõ rằng, Ego4D hiện chỉ là dự án nghiên cứu của công ty mà thôi. Và thực tế ý tưởng của Facebook nằm ngoài khả năng của các hệ thống AI.
Ego4D bao gồm 2 thành phần chính là một tập dữ liệu (bao gồm các video, hình ảnh, âm thanh) từ góc nhìn thứ nhất, và các nhiệm vụ mà Facebook cho rằng hệ thống AI có thể giải quyết trong tương lai.
Để tạo ra bộ dữ liệu khổng lồ cho dự án, Facebook đã hợp tác với 13 trường đại học trên khắp thế giới. Có tất cả 855 tình nguyện từ 9 quốc gia khác nhau tham gia thử nghiệm dự án này. Họ quay video về các hoạt động hàng ngày của mình từ công việc xây dựng, nướng bánh đến chơi với thú cưng và giao lưu với bạn bè. Và đã có tới 3.205 giờ video được ghi lại bằng các thiết bị GoPro và kính AR. Trong các video mọi thông tin cá nhân đều bị xóa và cả nhân dạng đều bị làm mờ.Sau khi thu thập được dữ liệu, AI sẽ xử lý, phân tích. Các bước xử lý gồm: Ký ức giai đoạn (điều gì đã xảy ra); Dự báo (nhiệm vụ sẽ làm là gì); Thao tác tay và đồ vật (đang thực hiện nhiệm vụ gì); Phân tích âm thanh và hình ảnh (ai đang nói gì, khi nào); và Tương tác xã hội.
Facebook cho biết, Ego4D hiện chỉ nhằm mục đích nghiên cứu nhưng họ kỳ vọng dự án sẽ có tính ứng dụng với AR.
Tuy nhiên, tham vọng AI của Facebook khiến nhiều người lo lắng về quyền riêng tư. Theo các chuyên gia, Ego4D không bao gồm các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư nổi bật nên có thể thu thập dữ liệu cá nhân trái phép và bí mật để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau mà người dùng không hay biết.
Facebook cũng cho biết thêm rằng, nếu hoàn tất hệ thống sẽ được triển khai cho bác nhà phát triển bên thứ ba và công ty sẽ đảm bảo vấn đề bảo mật dữ liệu. Nhà phát triển khi dùng kính AR buộc phải tạo ra một giao thức để cảnh báo người đối diện rằng họ đang bị ghi lại hình ảnh hoặc chế độ ghi âm thanh chỉ kích hoạt với khoảng cách đủ gần.
Điều này khiến giới bảo mật không khỏi lo lắng về rò rỉ thông tin bởi những biện pháp bảo vệ như vậy chỉ là mang tính lý thuyết.