Trong khi đang bị các công ty lớn trên toàn thế giới tẩy chay, Facebook lại tiếp tục vướng vào một bê bối dữ liệu khác. Gã khổng lồ mạng xã hội vừa chính thức thừa nhận rằng do nền tảng gặp lỗi nên họ đã cấp nhầm quyền truy cập dữ liệu người dùng cho 5.000 nhà phát triển.
Kể từ bê bối rò rỉ dữ liệu Cambridge Analytica hồi 2018, Facebook đã cập nhật chính sách quyền truy cập dữ liệu người dùng. Cụ thể, Facebook sẽ ngăn chặn các nhà phát triển của 1 ứng dụng lấy dữ liệu người dùng nếu người dùng không tương tác với ứng dụng ấy trong 90 ngày. Quá thời hạn này, các nhà phát triển sẽ phải gửi lại yêu cầu truy cập dữ liệu cho người dùng và chỉ được truy cập khi có sự cho phép.
Tuy nhiên, hệ thống khóa quyền truy cập của Facebook đã gặp lỗi khiến chính sách này bị phá vỡ.
"Chúng tôi đã phát hiện ra rằng trong một số trường hợp các ứng dụng vẫn tiếp tục nhận được dữ liệu của người dùng kể cả khi người dùng không sử dụng ứng dụng đó trong vòng 90 ngày qua", Konstantinos Papamiltiadis, Phó chủ tịch phụ trách Platform Partnerships của Facebook chia sẻ.
"Ví dụ, điều này có thể xảy ra khi ai đó sử dụng một app thể dục để rủ bạn bè ở xa tập cùng. Trong trường hợp này, Facebook sẽ không phát hiện ra rằng những người bạn này đã không dùng app thể dục đó trong nhiều tháng".
Papamiltiadis thừa nhận Facebook không nắm được có bao nhiêu người dùng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, mạng xã hội lớn nhất thế giới cho biết họ đã khắc phục ngay trong ngày phát hiện ra vấn đề.
Quyền truy cập dữ liệu người dùng cũng chính là tâm điểm của vụ bê bối Cambridge Analytica hồi 2018. Thời điểm đó, Facebook đã để Cambridge Analytica thu thập dữ liệu của 87 triệu người dùng. Ngay sau đó, trước làn sóng phản đối của người dùng, Facebook đã phải điều chỉnh chính sách và cho ra mắt quy tắc khóa 90 ngày kể trên.
Dẫu vậy, lỗi hệ thống vừa qua cho thấy Facebook còn rất nhiều việc phải làm để đảm bảo quyền riêng tư cho người dùng.