X (trước đây là Twitter) đã tham gia vào làn sóng AI cách đây một thời gian thông qua dự án chatbot đàm thoại dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) có tên Grok.
Grok là AI tạo sinh được phát triển bởi công ty xAI của Elon Musk. AI này được tích hợp sẵn trên X và xe điện Tesla, cạnh tranh trực tiếp với ChatGPT. Elon Musk chia sẻ trên X rằng, Grok có một lợi thế lớn so với mô hình AI tạo sinh khác là cho phép người dùng truy cập theo thời gian thực qua nền tảng X.
Trong khi nhiều công ty công nghệ lớn nhỏ khác đang “đau đầu” với việc tìm kiếm nguồn dữ liệu chất lượng để đào tạo cho các mô hình AI của mình, thì đối với một nền tảng mạng xã hội như X, đây lại là một lợi thế rõ ràng. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn dữ liệu này sao cho minh bạch, không ảnh hưởng đến quyền riêng tư của người dùng lại là một vấn đề có thể dẫn đến tranh cãi.
Theo báo cáo của TechCrunch, Elon Musk và nền tảng truyền thông xã hội của ông đã áp dụng một phương pháp sử dụng dữ liệu đào tạo đang được áp dụng khá phổ biến trên thị trường AI hiện nay: Tự động chọn người dùng tham gia đào tạo AI với nội dung họ đăng tải.
Tất nhiên, nếu người dùng muốn từ chối cho phép X thu thập dữ liệu, có thể thực hiện điều đó khá dễ dàng. Trở ngại duy nhất là quy trình này sẽ phải thực hiện thông qua trình duyệt trên máy tính vì ứng dụng dành cho thiết bị di động vẫn chưa hiển thị các cài đặt tương ứng. Các bước thực hiện như sau:
- Truy cập X trên PC
- Chọn “More” (Thêm) ở thanh bên trái.
- Đi tới “Settings and privacy” (Cài đặt và quyền riêng tư).
- Nhấp vào “Privacy and safety” (Quyền riêng tư và an toàn).
- Chọn “Grok” ở cuối danh sách.
- Bỏ chọn tích mục cho phép thu thập dữ liệu.
Tuy nhiên, vấn đề lại nằm ở chỗ ngay từ đầu, X đã tự động sử dụng dữ liệu của người dùng để đào tạo mô hình AI Grok một cách âm thầm, không hề có thông báo hay sự đồng thuận. Trong trường hợp người dùng không biết mà thu hồi quyền thu thập dữ liệu, quá trình này sẽ cứ vậy diễn ra mà họ gần như không thể hay biết.
Động thái này không chỉ làm giảm lòng tin của một số người dùng mà còn có thể khiến X gặp rắc rối về mặt pháp lý với các cơ quan quản lý châu Âu, cụ thể là vi phạm đạo luật GDPR bảo vệ quyền riêng tư của công dân châu Âu.
Thật vậy, Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu Ireland (DPC), đơn vị đứng đầu trong việc giám sát tuân thủ đạo luật GDPR của X, đã nói với TechCrunch rằng họ đã rất ngạc nhiên trước cách làm của nền tảng này. Sau khi phát hiện ra, DPC đã liên hệ với X và mong đợi một lời giải thích thỏa đáng vào đầu tuần tới.
Meta cũng đã phải đối mặt với các vấn đề tương tự khi họ cố gắng thu thập nội dung công khai của người châu Âu, và cuối cùng cũng đã phải rút lui sau sự can thiệp của các cơ quan chức năng EU.