“Đối thoại điện tử” đang bùng nổ trên toàn cầu. Số liệu thống kê mới đây cho biết trong năm 2005 có 10.000 tỉ thư điện tử (email) được trao đổi trên khắp thế giới (năm 2002 là 1.000 tỉ thư điện tử) và ước tính từ nay đến năm 2009 sẽ có gần 2,2 tỉ người nữa tham gia “đối thoại điện tử” này.
Theo các nhà nghiên cứu, giới viên chức Pháp bắt đầu sử dụng thư điện tử từ năm 2000. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp nước này còn thuê người đến hướng dẫn và khuyến khích nhân viên của họ sử dụng thư điện tử. Khi đó địa chỉ thư điện tử vẫn còn là một điều tương đối mới lạ, mặc dù ngày nay nó đã hiện diện trên hầu hết các tấm danh thiếp.
Trong năm 2006, một viên chức ở Pháp nhận trung bình 150 thư điện tử/ngày, nên trung bình cứ bốn phút lại phải đọc thư mới một lần, ảnh hưởng rất nhiều đến công việc. Trong những lá thư đó không chỉ có sự nhắc nhở của lãnh đạo về bản báo cáo chưa nộp, những yêu cầu của khách hàng mà có cả những yêu cầu của người vợ như “tan sở về anh nhớ mua bánh mì”, hoặc “anh đón con, em bận”, hay những trò đùa của bạn bè... Đó là chưa kể những “thư rác”, “thư bom chứa virus”. Có tới 70% tổng số thư điện tử gửi đi trên thế giới hiện nay là thư rác (spam).
Giám đốc Viện Công nghệ kinh doanh kiêm chuyên gia quản lý thời gian làm việc Bruno Savoyat cho rằng sẽ là sai lầm nếu nghĩ rằng thư điện tử sẽ giúp các doanh nghiệp, công sở tiết kiệm thời gian, và vì vậy cần có sự giáo dục lại một cách nghiêm túc về "văn hóa thư điện tử". Kết quả các nghiên cứu đã chứng minh rằng thư điện tử không thể thay thế các hội nghị hay các cuộc trao đổi qua điện thoại mà chỉ là sự bổ sung cho các phương tiện thông tin liên lạc khác. Ở Anh, nhiều doanh nghiệp đã buộc phải xóa bỏ hệ thống kết nối nội bộ (Intranet). Ở Pháp, từ năm 2002 nhiều doanh nghiệp cũng đề nghị xóa bỏ kết nối mạng Internet và mạng kết nối nội bộ.
TÚ ANH