Theo giám đốc của ABTel, đơn vị đang sở hữu thương hiệu điện thoại di động Q-Mobile, điểm mạnh của điện thoại thương hiệu Việt là phù hợp với thị hiếu và thu nhập của người dân.
Ông Hồ Quốc Huệ, Giám đốc Marketing của CMC Distribution, công ty vừa cho ra mắt thương hiệu điện thoại Bluefone cuối năm 2010 cũng cho biết, so với các loại điện thoại của các hãng tên tuổi như Nokia và Sony Ericsson, điện thoại Việt như Bluefone còn chưa vươn tới phân khúc hàng smartphone - nơi mà các hãng này khá thành công. Tuy nhiên, với những loại điện thoại cùng phân khúc và giá cả thì điện thoại Việt không thua kém sản phẩm của các hãng, thậm chí còn đa dạng chủng loại và mầu sắc hơn. Nếu so với điện thoại "no name" của Trung Quốc thì chắc chắn có chất lượng tốt hơn do các thương hiệu Việt đều chú ý đến điểm này.
Đại diện của FPT Mobile, Mobistar, Mobell... cũng khẳng định, chất lượng điện thoại thương hiệu Việt trên thị trường hiện nay hoàn toàn ngang bằng với các thương hiệu quốc tế có cùng phân khúc và giá cả đang có mặt trên thị trường ở Việt Nam. Người dùng hoàn toàn có thể an tâm khi chọn mua những sản phẩm này.
Nếu như trước đây, các công ty kinh doanh điện thoại thương hiệu Việt chủ yếu tập trung vào việc cung cấp những dòng sản phẩm đơn điệu, giá rẻ, thì giờ đây đã có sự đổi khác. Các sản phẩm điện thoại thương hiệu Việt trở nên đa dạng hơn về cả mẫu mã lẫn tính năng. Doanh nghiệp cũng phát triển thị trường theo nhiều hướng.
Điển hình là việc Viettel đầu tư phát triển những chiếc điện thoại thông minh 3G thương hiệu Việt trong thời gian qua. Với lợi thế là một nhà mạng lớn, Viettel đã tung ra thị trường các dòng sản phẩm smartphone Zik 3G để chinh phục khách hàng, đơn cử như các sản phẩm Zik V8301, V8401, V8402, màn hình cảm ứng, chạy các hệ điều hành đang phổ biến trên thị trường là Android, Brew... Kết hợp dịch vụ 3G tốc độ cao với mức giá kèm gói cước khuyến mãi, cũng như cung cấp các ứng dụng tại kho ứng dụng Mstore.vn, Viettel cho thấy họ đang thành công trong việc phát triển thương hiệu Việt theo hướng này, khi sản phẩm đang thu hút được người dùng trên thị trường và có thể cạnh tranh với điện thoại của các thương hiệu quốc tế đang có mặt tại Việt Nam.
Về phía ABTel, ông Nguyễn Quang Minh cho biết, họ cũng đang phát triển Q-Mobile đa dạng theo các phân khúc từ thấp đến cao, bao gồm cả 3G và smart phone, đồng thời xây dựng các nền tảng ứng dụng cho Mobile Phone. Mục tiêu của Q-Mobile là trở thành nhà cung cấp dịch vụ giải pháp trên nền tảng di động. Ông Minh cũng cho biết ABTel vẫn đang xây dựng kế hoạch để đưa Q-Mobile ra thị trường các nước trong khu vực.
Với những hướng đi đa dạng như trên, ông Nguyễn Quang Minh cho rằng, hiện nay, tổng thị phần của các thương hiệu Việt đã gần như cân bằng với thị phần của các thương hiệu quốc tế. Rõ ràng xu thế này đã báo hiệu một ngày gần đây thương hiệu Việt sẽ là sự lựa chọn phổ biến của người dân Việt.