"Dế" 2 sim tạo thuận lợi hơn cho việc sử dụng 2 số thuê bao cùng lúc trên một điện thoại. Mặt hàng này đã xuất hiện nhiều trên thị trường VN và đa phần có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Bên trong điện thoại 2 sim luôn có hai khe sim. Ảnh: solomobi. |
Theo anh Lê Dũng, chủ một cửa hàng điện thoại di động nằm trên đường Đặng Văn Bi, Thủ Đức, TP HCM, thiết bị 2 sim Trung Quốc (TQ) có thể chia thành 3 loại.
Dòng máy đời đầu chỉ có thể bỏ cả 2 sim vào trong máy. Người sử dụng sẽ lựa chọn 1 trong 2 số thuê bao cần dùng sau khởi động lại máy. Loại thứ hai cho phép sử dụng được 2 sim cùng một lúc và được điều khiển bởi một bo mạch chung. Đặc tính tương tự dòng thứ hai nhưng dòng thứ ba có bộ phận điều khiển hoạt động của 2 sim là hai bo mạch riêng biệt. Việc sử dụng hai loại sau này do đó đơn giản và thuận tiện hơn.
Các máy 2 sim TQ có rất nhiều thương hiệu như Nktel, Jincen, CECT, Cool, ZTF1, JinPeng, East-star... Kiểu dáng của chúng thường nhái theo sản phẩm có tiếng như Samsung Armani, Lamborghini, Nokia N96... Giá cả rất thu hút, chỉ khoảng 1,2 - 1,4 triệu đồng. Các chức năng đi kèm luôn có gồm nghe nhạc, xem phim, chụp hình...
Phiên bản cao cấp hơn của những thiết bị này còn cho phép xem được cả truyền hình và chụp hình có đèn flash. Giá cũng chỉ khoảng 2,2 triệu đồng.
Hầu như điện thoại TQ loại này có mặt tại thị trường VN chỉ hỗ trợ sim cùng hệ thống mạng GSM. Thời hạn bảo hành thường là 6 tháng theo cách thức 1 đổi 1 trong tháng đầu tiên.
Mẫu "dế" 2 sim Trung Quốc nhái kiểu dáng của nhãn hàng cao cấp Lamborghini. Ảnh: solomobi. |
Công ty viễn thông S-Fone thì giới thiệu điện thoại 2 sim iTalk D108 dùng cho cả mạng CDMA và băng tần phổ biến trên thị trường là GSM. Cấu tạo của nó cũng tương tự máy dùng hai bo mạch riêng lẻ để điều khiển. Chiếc điện thoại này hiện có giá khoảng 2,3 triệu đồng.
Điện thoại 2 sim D880 của Samsung. Ảnh: tech2. |
Thương hiệu nổi tiếng chỉ có Samsung vào cuộc với các dòng D880, D780 và loại cảm ứng D980. Và giá thành cũng thuộc hạng nhất trên thị trường: D780 có giá 3,2 triệu và D880 là 5,9 triệu đồng.
Thời hạn bảo hành đến 1 năm cho dòng sản phẩm này của S-Fone và Samsung cũng khiến người tiêu dùng an tâm hơn.
Máy 2 sim về lý thuyết là tiện lợi nhưng người tiêu dùng vẫn thích giải pháp dùng hẳn một chiếc điện thoại thứ 2 rẻ tiền, chủ yếu để nghe gọi, với giá khoảng 600.000 - 900.000. Anh Nguyễn Tuấn Phát, chủ một cửa hàng điện thoại trên đường Võ Văn Ngân, Thủ Đức, cho biết: "Tôi cũng có lấy về một số máy 2 sim của TQ nhưng bán không chạy cho lắm. Dường như người tiêu dùng ngán hàng từ bên ấy".
“Điện thoại 2 sim tiện lợi thật nhưng, tôi nghe nhiều lời khuyên từ bạn bè rằng không nên dùng loại máy này mà tốt nhất nên sắm 2 máy cho 2 số thuê bao", anh Trần Văn An, quận 7, cho biết. Chị Nguyễn Thị Phương Uyên, quận 1, thì bày tỏ: "Máy 2 sim Trung Quốc có giá rất hấp dẫn nhưng chế độ bảo hành của nó rất đáng lo ngại".
Hơn nữa mặt bằng giá điện thoại 2 sim của thương hiệu uy tín S-Fone hay Samsung vẫn còn khá cao. Trong khi đó, mục đích dùng sim thứ 2 của người tiêu dùng chủ yếu là tiết kiệm chi phí.
Trong khi đó, với kinh phí hạn hẹp, một số người tiêu dùng tìm đến giải pháp ghép sim chỉ tốn khoảng 100.000 đồng. Tuy rằng cách này cũng chỉ có thể gắn 2 sim vào một máy nhưng không thể sử dụng được cùng lúc.
Nhiều kỹ thuật viên điện thoại lâu năm đều khuyên không nên sử dụng các loại điện thoại 2 sim có nguồn gốc từ TQ. Anh Võ Tiến Chung, Thủ Đức, từng mua một chiếc điện thoại 2 sim hiệu Jincen, cho biết: "Chỉ sau vài tuần sử dụng là máy bị hỏng. Tôi đem bảo hành và nhận về lại hàng cũ đã sửa nhưng vài bữa sau lại gặp tình trạng tương tự". Vì thời hạn bảo hành của máy đến 1 năm nên anh an tâm tiếp tục đến cửa hàng cũ. Và mọi thứ đâu cũng vào đó, máy đem về cũng vài tuần sau lại trục trặc.
Anh Dũng còn cho biết, máy 2 sim TQ hiện nay trên thị trường hay gặp vấn đề như IC nguồn lỗi khiến máy bị tắt hay đứng nếu cùng lúc có 2 người gọi vào hai số đang sử dụng trong máy. Thành phần IC nhận biết cuộc gọi vào hai sim cũng có nguy cơ bị chết và lúc đó máy cũng không thể sử dụng được. Sự xung đột dễ xảy ra nếu kỹ thuật thiết kế để dùng chung một bo không đảm bảo độ an toàn cao.
Dòng máy dùng 2 sim với 2 cột sóng hiển thị cùng lúc với cấu tạo bên trong gồm hai bo mạch khác nhau điều khiển cho mỗi sim có độ an toàn cao hơn, tránh được các sự xung đột do nguồn, IC... Tuy nhiên, chúng lại rất hiếm bởi giá thành cao gấp đôi và kích cỡ to hơn máy bình thường.
Người mua khi mới tiếp cận với hàng TQ đều bị thu hút bởi sự tiện lợi của việc cho phép gắn 2 sim mà giá lại rẻ. Bên cạnh đó, mẫu mã đa dạng, thiết kế không khác gì các dòng điện thoại sành điệu hay các chức năng chụp hình 2 - 3 "chấm", có cả đèn flash và xem được cả tivi trên máy là điều lôi kéo số một số ít khách hàng đến với những chiếc điện thoại này. Nhưng qua thời gian, ai cũng nhận ra được chất lượng của nó.
Chế độ bảo hành 6 tháng cũng không được bảo đảm. Cửa hàng không được nhà sản xuất Trung Quốc hỗ trợ nên tự sửa chữa lấy và đa phần đều sửa không được thì khách hàng là người phải gánh chịu.
Nhiều nơi bán máy 2 sim đang áp dụng thời hạn bảo hành rất hấp dẫn: đến 1 năm. Anh Dũng cho biết các cửa hàng đó có sự hỗ trợ tốt hơn từ đối tác cung cấp hàng. Hơn 90% các trường hợp hỏng hóc ở loại máy này đều phải thay toàn bộ bo mạch. "Nếu thực sự thích dùng máy 2 sim, người mua nên chọn thiết bị của các thương hiệu có tiếng như Samsung hay S-Fone. Giá thành có thể hơi cao nhưng công nghệ của các hãng này được đầu tư tốt hơn", anh Dũng nói.