Theo nguồn tin từ BBC, hãng thiết kế vi xử lý ARM quyết định ngừng hợp tác với Huawei theo lệnh của chính phủ Mỹ. Động thái này của ARM được coi là đặt dấu chấm hết cho Huawei trên trường quốc tế bởi hãng công nghệ Trung Quốc sẽ không thể tự mình sản xuất chip được nữa.
Theo văn bản mà BBC có được, ARM đã yêu cầu các quan chức và nhân viên dừng mọi hợp đồng đang có hiệu lực, các quyền lợi hỗ trợ và bất kỳ ràng buộc nào với Huawei. Đồng thời, ARM cũng yêu cầu nhân viên thông báo với đối tác cùng cấp rằng họ không được phép hỗ trợ, chuyển giao công nghệ hoặc tham gia thảo luận kỹ thuật với Huawei và HiSilicon.
Văn bản của ARM nhấn mạnh rằng cá nhân sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu vi phạm.
Trước ARM, Google, Intel, Qualcomm và nhiều công ty công nghệ lớn khác của Mỹ cũng tuyên bố ngừng hợp tác với Huawei để tuân thủ chỉ thị của chính phủ Mỹ.
ARM mặc dù là một công ty có trụ sở chính tại Anh, nhưng thiết kế chip của hãng này lại "có tồn tại công nghệ xuất phát từ Mỹ". Thậm chí, ARM Trung Quốc, công ty mà đơn vị sở hữu ARM là ARM Holdings nắm giữ 49% cổ phần được thành lập vào năm ngoái, cũng phải tuân theo lệnh cấm của chính phủ Mỹ.
Hiện tại, đại diện Huawei chưa đưa ra bất kỳ bình luận gì về sự việc này.
Thiếu ARM, Huawei có thể sản xuất chip được nữa không?
ARM có vai trò rất quan trọng đối với bên trong mỗi con chip di động. ARM thiết kế nhân của chip (có tên gọi Cortex) và bán chúng cho các nhà sản xuất khác, trong đó có cả các ông trùm lớn trong làng di động như Apple, Qualcomm, Samsung và Huawei.
Bên trong những con chip do Huawei sản xuất sử dụng công nghệ của ARM.
Nhiều nhà sản xuất nếu muốn tuỳ biến thiết kế của ARM để phù hợp hơn với sản phẩm của mình cũng có thể lựa chọn mua bản quyền của tập lệnh (instruction sets) thay vì mua toàn bộ kiến trúc nhân của ARM.
Hiện nay, Huawei đã tự sản xuất chip riêng mang tên gọi HiSilicon Kirin nhưng nó cũng được phát triển từ kiến trúc ARM. Vì vậy, để có thể thiết kế và sản xuất được chip thì Huawei vẫn cần đến ARM và bản quyền sử dụng các tập lệnh.
Và việc ARM ngừng hợp tác sẽ khiến cho Huawei phải sử dụng một kiến trúc chip hoàn toàn khác trên những smartphone bán ra thị trường quốc tế của mình. Khi đó, Huawei sẽ tự phát triển một con chip riêng không vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ của tất cả các hãng như ARM, Qualcomm hay Intel. Điều này sẽ khiến hãng tốn hàng chục tỷ USD.
Cho dù Huawei tiếp tục sử dụng các tài sản trí tuệ đang sử dụng thì hãng vẫn không được tiếp cận các thiết kế, công nghệ mới của ARM. Điều này sẽ khiến Huawei thụt lùi so với những hãng khác.
Kirin 985 - con chip mới của Huawei dự kiến sẽ được tích hợp trên những chiếc smartphone cao cấp của hãng này trong thời gian tới. Nó có thể sẽ không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm vận này. Tuy nhiên, thế hệ chip tiếp theo của nó vẫn chưa được hoàn thiện, và nếu không có sự hợp tác của ARM thì rất có khả năng Huawei sẽ phải xây dựng lại con chip này từ đầu.