Audioengine W3 là một bản nâng cấp đáng giá bởi tính tiện dụng, khả năng tương thích rộng rãi cho đối tượng người dùng nghe nhạc chất lượng cao.
Vừa được giới thiệu lần đầu tiên vào hạ tuần tháng 5/2012, bộ truyền âm thanh không dây cao cấp Audioengine W3 Premium Wireless Adapter có thể xem như là bản mở rộng của model Audioengine W2 – vốn chỉ tương thích với các thiết bị di động của Apple. So với phiên bản W2, Audioengine W3 không còn giới hạn người dùng trong các thiết bị “họ nhà Táo” nữa mà hỗ trợ kết nối với nhiều nguồn âm thanh khác như máy tính xách tay, TV, đầu DVD/CD, máy chơi game hay với một bộ tiền khuyếch đại (Preamp)...
Audioengine W3 gồm 2 thành phần chính là bộ truyền tín hiệu không dây (Sender) và bộ thu (Receiver)
Về cơ bản, Audioengine W3 cũng chính là một bộ USB DAC 16-bit có nhiệm vụ truyền âm thanh từ nguồn phát đến loa mà không cần đến bất kỳ dây dẫn nào. Ngoài khả năng phát các nguồn âm thanh độ phân giải 16 bit/48KHz qua ngõ giao tiếp USB, Audioengine W3 còn hỗ trợ các tín hiệu âm thanh dạng analog từ các nguồn phát sử dụng cổng 3,5mm.
Audioengine W3 cũng gồm 2 thành phần chính là bộ truyền tín hiệu không dây Sender và bộ thu tín hiệu receiver. Hai thành phần này có ngoại hình giống nhau như đúc và khá nhỏ gọn, tựa như một bút nhớ USB có kích thước 100 x 30 x 10mm, trọng lượng khoảng 20g.
Audioengine W3 cũng sử dụng kết nối không dây tần số 2,4GHz.
Mỗi một phần của Audioengine W3 đều được trang bị đầu cắm USB và một ngõ 3,5mm. Người dùng có thể kết nối sender của Audioengine W3 với máy tính qua cổng USB hay kết nối với các nguồn phát âm thanh khác qua ngõ vào tín hiệu âm thanh 3,5mm. Trong khi đó, receiver của Audioengine W3 được dùng để kết nối với các thiết bị như loa máy tính, sub rời hay một bộ preampli khác.
Tuy nhiên, người dùng cũng cần lưu ý rằng, cả sender và receiver của Audioengine W3 đều hoạt động nhờ nguồn điện 5V DC cấp qua cổng USB – nên khi muốn kết nối với các nguồn âm thanh khác ngoài máy tính, bạn sẽ phải cấp nguồn cho thiết bị bằng cách kết nối sender với adaptor 5V DC đi kèm. Trong trường hợp này, nếu kết nối receiver với một bộ loa máy tính không có cổng USB cấp nguồn 5V DC, bạn sẽ phải đầu tư thêm một adaptor để cấp nguồn cho thiết bị vì Audioengine chỉ cung cấp duy nhất một bộ adaptor đi kèm.
Ngoài tính năng hỗ trợ ngõ vào tín hiệu âm thanh số, Sender của Audioengine W3 hỗ trợ cả ngõ vào 3,5mm cho tín hiệu âm thanh analog.
Về công nghệ, Audioengine W3 cũng sử dụng kết nối không dây tần số 2,4GHz, tầm hoạt động khoảng 30m. Theo Audioengine, tín hiệu âm thanh truyền qua kết nối không dây của Audioengine W3 không hề bị nén nhằm đảm bảo chất lượng âm thanh tốt nhất cho người dùng.
Cũng theo thông tin từ hãng, Audioengine W3 còn được trang bị công nghệ truyền dữ liệu theo thời gian thực được thiết kế dành riêng cho mục đích giải trí với âm nhạc dựa trên các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng như FEC, SEC, PEC – tối ưu cho việc kiểm soát truyền tải dữ liệu và lỗi trên đường truyền. Audioengine W3 còn nổi bật bởi tính năng lựa chọn tần số thông minh với khả năng quét toàn bộ dải tần 2,4GHz để lựa chọn ra kênh truyền tốt nhất nhằm tăng khả năng chống nhiễu cho thiết bị với tốc độ cực nhanh (dưới 20ms).
Trọn bộ sản phẩm gồm bộ Sender, Receiver, adaptor cấp nguồn 5V DC, 2 cáp 3,5mm, cáp chuyển 3,5mm - RCA và tài liệu hướng dẫn sử dụng.
Để thử chuẩn bị cho quá trình thử nghiệm kết nối sender của Audioengine W3 với máy tính chạy hệ điều hành Windows 7 qua ngõ USB, và phối ghép receiver với bộ loa Audioengine A5+ qua ngõ vào 3,5mm. Do bộ loa 2.0 này có trang bị ngõ USB ngay trên mặt sau loa nên Số Hóa tận dụng luôn ngõ cắm này để cấp nguồn cho receiver của Audioengine W3. Trong suốt quá trình đấu nối, không hề gặp bất kỳ trở ngại nào với 2 thiết bị nhỏ nhắn này.
Mặc định ngay từ khi xuất xưởng, 2 thành phần của Audioengine W3 đã được “ghép đôi” sẵn nên cũng không cần phải thực hiện thêm bất kỳ thao tác nào khác. Tuy nhiên trên mỗi một bộ sender và receiver đều được trang bị sẵn nút “Pair” để người dùng phối ghép sender với một bộ receiver Audioengine W3 khác khi cần. Thêm vào đó, với tính năng Plug'n Play của Audioengine W3, người dùng cũng có thể yên tâm sử dụng thiết bị trên bất kỳ nền tảng hệ điều hành nào của máy tính.
Cổng USB trên Sender của Audioengine W3 chỉ hỗ trợ duy nhất tính năng cấp nguồn cho thiết bị.
Với khoảng cách thử nghiệm khoảng 5m không có vật cản cũng như 10m có sự ngăn cách của tường bê tông và môi trường có trên 8 nguồn phát Wi-Fi khác nhau, Audioengine W3 cũng không hề có các biểu hiện của sự giới hạn như tín hiệu không dây thiếu ổn định hay độ trễ từ nguồn phát đến loa. Để thử chất lượng của bộ DAC không dây này, Số Hóa cũng sử dụng các số nguồn nhạc chất lượng CD 16 bit/44KHz và phần mềm nghe nhạc Foobar2000 (phiên bản 1.0.3) có sẵn trên máy tính.
Điểm qua một số album yêu thích vẫn thường nghe như Johannes Linstead - Cafe Tropical 2006, Songbird CD1 – Kenny G, All My Loving – Jheena Lodwick, Feelings Vol.2 – Jheena Lodwick và Gun 'N' roses greatest hit 2004, chất âm của bộ loa Audioengine A5+ như sáng hẳn lên và được “mài giũa” nhiều hơn. Độ chi tiết của các tầng âm thật rõ ràng, các dải âm trung mềm mại và mượt mà hơn hẳn. Số Hóa thực sự ấn tượng với không gian yên lặng tuyệt đối mà Audioengine W3 mang lại mỗi khi kết thúc một giai điệu – vốn chỉ thấy trên những bộ DAC cao cấp.
Mỗi thành phần của Audioengine W3 đều có thể kết nối với adaptor để lấy nguồn 5V DC qua cổng USB.
Nếu so với bộ DAC không dây cao cấp Audioengine D2, chất âm của Audioengine W3 phần nào vẫn không trong sáng bằng. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng âm thanh của Audioengine W3 vẫn có độ chi tiết cao và không gian âm thanh khá - nhất là khi nghe bản Avemaria trong album Audiophille Reference 1 hay khi nghe các bản hòa nhạc rộng lớn như Duo For Violin & Cello, Op.7 - Allegro Serioso, Non Troppo và bản The Carmen Ballet - IX Torero trong album McIntosh Audiophile Test Reference.
Thử kết nối Audioengine W3 với máy tính qua ngõ tín hiệu âm thanh analog (3,5mm) của card âm thanh tích hợp, lúc này Sender của Audioengine W3 chỉ đóng vai trò như là một adaptor để truyền tín hiệu âm thanh thông qua kết nối không dây đến bộ receiver. Một điều hiển nhiên là chất lượng âm thanh trong mô hình kết nối này hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng của nguồn phát. Do vậy, nếu đã có sẵn một ampli hay một bộ ampli đa kênh (AV receiver) và muốn đơn giản bớt sự rườm rà của cáp kết nối, người dùng có thể sử dụng cách đấu nối này.
Nhìn chung, Audioengine W3 là bộ USB DAC có chất âm hay kiêm bộ truyền âm thanh không dây nhỏ gọn, tiện lợi và dễ phối ghép với nhiều nguồn âm thanh khác nhau. Audioengine W3 hiện có mặt trên thị trường với mức giá khoảng 4,4 triệu đồng.
Các điểm đáng chú ý của Audioengine W3.
- Hỗ trợ ngõ vào âm thanh số qua cổng USB.
- Ngõ xuất tín hiệu âm thanh 3.5mm và RCA (qua cáp chuyển đổi).
- Tỷ lệ tín hiệu trên tạp âm (SNR) 92dB.
- Tổng méo hài và độ ồn <0.1%.
- Tần số đáp ứng 100Hz - 10KHz.
- Tầm hoạt động không dây khoảng 30m.
- Kết nối không dây tần số 2,4GHz.
- Kích thước 100x30x10mm.
Đánh giá chung.
* Ưu điểm:
- Chất âm hay, độ chi tiết cao khi nghe qua cổng USB.
- Hỗ trợ kết nối tối đa 3 bộ Receiver cùng hãng.
- Thiết kế nhỏ gọn, dễ sử dụng.
* Khuyết điểm:
- Hãng chỉ bán kèm một bộ adaptor cấp nguồn 5V DC.