Hàng ngàn phản ánh của người dân đã được Phòng Quản lý đô thị TP Đà Nẵng tiếp nhận, xử lý thông qua mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay.
Đà Nẵng đã trở thành địa phương đầu tiên ứng dụng mạng xã hội Facebook để tiếp nhận thông tin và giải quyết các bức xúc của người dân trong quản lý đô thị.
Một cách làm táo bạo:
Trang Facebook “Quản lý Đà Nẵng: Tiện nghi - Xanh - Sạch - Đẹp” (tại địa chỉ https://www.facebook.com/groups/343910042398137/) được lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị TP Đà Nẵng (trực thuộc UBND TP) sáng lập, điều hành từ tháng 4-2013. Đến nay, mỗi ngày trang Facebook này có hàng ngàn lượt người theo dõi, cung cấp thông tin. Riêng thành viên thường xuyên tham gia thảo luận đã lên tới gần 2.000 người, phần lớn là người dân và công chức TP Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Văn Duy, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị, người trực tiếp quản lý trang Facebook, cho hay: “Với số lượng cán bộ ít ỏi, chúng tôi không thể nắm được hết tình hình đô thị của TP. Tiếp nhận thông tin qua thư từ, báo, đài sẽ mất nhiều thời gian. Do vậy, chúng tôi lập trang Facebook này để có thể đón nhận nhanh nhất các thông tin về đường sá hư hỏng, cây ngã đổ, xây dựng trái phép, tập kết rác bừa bãi, xe “dù”, bến “cóc”… Đây còn là nơi để Phòng Quản lý đô thị trực tiếp tương tác, giải đáp thắc mắc cho người dân”.
Hình ảnh trang Facebook của Phòng Quản lý đô thị TP Đà Nẵng.
Khi những cơn bão liên tục ảnh hưởng tới Đà Nẵng, các thành viên lập tức kêu gọi Hội Kiến trúc sư, Sở Xây dựng làm sổ tay hướng dẫn kỹ thuật xây dựng nhà vùng bão lụt; hướng dẫn cách neo, giằng nhà cửa khỏi bị tốc mái. Nhiều người còn đóng góp thêm tài liệu tham khảo cho Phòng Quản lý đô thị. Ngay sau đó, ông Vũ Quang Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, đã online trên Facebook để cung cấp tài liệu, cẩm nang chống bão của Mỹ cho cán bộ Sở Ngoại vụ dịch ra tiếng Việt, biên tập và phát hành rộng rãi.
Đi ô tô cũng xử lý được công việc:
Phương châm của lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị khi điều hành trang Facebook này là phải xử lý ngay lập tức các phản ánh của người dân. Thậm chí khi đi trên đường, ngồi trong ô tô họ vẫn có thể xử lý được công việc bằng một “comment” thông qua điện thoại. Phòng cũng sẵn sàng truy trách nhiệm đơn vị sai phạm và chỉ đạo các đơn vị có liên quan (cũng có mặt trên Facebook) xử lý.
Sau bão số 11, nhiều công trình công cộng có biểu hiện kém chất lượng. Nick Lê Hải đã cung cấp hình ảnh cột điện, vỉa hè đường Như Nguyệt, Bạch Đằng hư hỏng nặng vì nền móng chỉ có một lớp vữa sơ sài, không có sắt thép kết nối, kèm thông điệp: “TP lại phải trích ngân sách, tiền thuế của dân cho những kẻ làm ăn gian dối thế này sao? Ai phải chịu trách nhiệm?”.
Nick Cung Ly Hoang đề nghị thêm: “Hồ sơ thiết kế dự toán vẫn còn, nếu thiết kế đúng như thế này thì cơ quan phê duyệt thẩm định và tư vấn thiết kế sai. Còn nếu thi công sai thiết kế mà vẫn nghiệm thu đưa vào sử dụng thì tư vấn giám sát và đơn vị thi công chịu trách nhiệm”. Ông Duy hồi đáp ngay: “Đề nghị anh em (Phòng Quản lý đô thị TP - PV) truy đơn vị nào thi công để phạt nặng”.
Không chỉ tiếp nhận các bức xúc, Facebook này còn là nơi đón nhận các ý tưởng xây dựng, phát triển đô thị Đà Nẵng. Gần đây, một đề tài được các thành viên bàn luận sôi nổi là nên trồng cây gì dọc bờ biển để chống chọi với bão. Trước hàng loạt ý kiến đóng góp, ông Nguyễn Văn Duy yêu cầu: “Anh Khương, chị Nguyễn Thị Thanh Hương (cán bộ của Phòng Quản lý đô thị - PV) nhận thông tin. Ý kiến cá nhân tôi là trả lại hàng cây dương cho bãi biển càng nhiều càng tốt”.
Ông NGUYỄN VĂN CÁN, Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng Nhờ Facebook mà phòng đã nhận và xử lý hàng ngàn đầu việc liên quan đến quản lý đô thị. Chúng tôi cũng nắm rõ từng góc phố, khu dân cư đang gặp vấn đề cần giải quyết.
Ông NGUYỄN VĂN DUY, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị