Đà Nẵng: Đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến

Tại bảng xếp hạng tổng thể các trang/cổng thông tin điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến các địa phương năm 2010, TP Đà Nẵng đã vươn lên xếp thứ 5, tăng 9 bậc so với năm 2009.

Ngoài mức độ cung cấp thông tin của các website/portal Đà Nẵng xếp thứ 10, tụt 4 bậc so với năm 2009, còn ở các chỉ tiêu xếp hạng đánh giá khác Đà Nẵng đều tăng từ 1 đến 15 bậc, đặc biệt là dịch vụ công trực tuyến.


Dịch vụ công trực tuyến ngày càng được đẩy mạnh tại các cơ quan nhà nước

Bứt phá thành công

Năm 2010, một điểm mới trong lần xếp hạng này là Bộ TT&TT đã mở rộng khảo sát, đánh giá đối với việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước. Về mức độ ứng dụng CNTT, Đà Nẵng xếp thứ 2 sau Thừa Thiên-Huế với 245,53/315 điểm. Mức độ này được đánh giá dựa trên 3 tiêu chí là website và dịch vụ công trực tuyến; ứng dụng nội bộ; cơ chế chính sách. Trong tổng 245,53 điểm, website và dịch vụ công trực tuyến là tiêu chí mà Đà Nẵng được đánh giá cao nhất với 154,18 điểm.

Theo bảng đánh giá của Bộ TT&TT, năm 2010 đã có sự tăng trưởng vượt bậc cả về số lượng và số địa phương có cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 (38 địa phương với 748 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3), tăng 20 địa phương so với năm 2009 và 32 so với 2008.

Ở mức độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Đà Nẵng đã cải thiện vị trí của mình từ thứ 43 năm 2009 với 279 dịch vụ, lên thứ 28 với 1.353 dịch vụ. Chỉ xếp thứ 28 với 1.353 dịch vụ nhưng Đà Nẵng là địa phương có số dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 cao với 74 dịch vụ, chỉ đứng sau An Giang với 139 dịch vụ. Kết quả này cũng cho thấy Đà Nẵng đang chú trọng đến việc phát huy chất lượng của dịch vụ công thay vì gia tăng về số lượng. Đây là một nỗ lực lớn của TP Đà Nẵng trong năm qua.

Phát triển dịch vụ công trực tuyến mức độ 3

Để có những kết quả trên, Đà Nẵng đã không ngừng kiện toàn hạ tầng CNTT-TT, tạo bước phát triển mới, bảo đảm việc kết nối thông tin giữa các sở, ban, ngành, quận huyện, các ban Đảng và cơ quan Trung ương. Đây là nền tảng giúp triển khai hiệu quả ứng dụng CNTT tại các đơn vị, từng bước góp phần đẩy mạnh tiến trình xây dựng chính quyền điện tử tại Đà Nẵng.

Để đảm bảo cung cấp hạ tầng CNTT-TT cho các cơ quan nhà nước, UBND thành phố đã tập trung đầu tư vào hạ tầng với quy mô lớn và hiện đại. Mạng trục thành phố được thiết lập bằng mạng truyền số liệu chuyên dùng và triển khai đến 72 đơn vị từ văn phòng UBND thành phố đến các sở, ngành, quận huyện, đã được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2009 với đường truyền 100Mbps dùng Internet trực tiếp. Đường truyền này cũng đủ mạnh để triển khai họp trực tuyến với Chính phủ, bộ, ngành Trung ương khi có yêu cầu. Năm 2010 nhiều trung tâm về CNTT tại Đà Nẵng đã được xây dựng và đưa vào hoạt động như: Khu Công nghiệp CNTT tập trung, Trung tâm dữ liệu (Data Center), Trung tâm giao dịch, Trung tâm đào tạo và nghiên cứu CNTT...

Để có vị trí thứ 2 về số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, ông Phạm Kim Sơn – Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng, cho biết: Đà Nẵng có 32 sở, ban, ngành, 1 huyện và 56 xã, phường thì tất cả đều được trang bị thêm thiết bị CNTT xuống tận các đầu mối, đảm bảo cho việc cung cấp các dịch vụ hành chính công tại các xã, phường với cơ chế một cửa. Tháng 6/2010, dự án thí điểm mô hình một cửa hiện đại tại trung tâm hành chính quận Thanh Khê được đưa vào sử dụng, giúp tỉ lệ giải quyết hồ sơ đúng hẹn cho nhân dân được nâng cao: 85% trong lĩnh vực đất đai, 100% trong các lĩnh vực khác như đăng ký kinh doanh, chứng thực, hộ tịch... Nhờ đó, góp phần nâng cao tỷ lệ hài lòng của tổ chức, công dân đối với dịch vụ hành chính công của UBND quận (kết quả khảo sát tại UBND quận đạt 100% ý kiến hài lòng).

Theo kết quả đánh giá của Bộ TT&TT, trong số 74 dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 của Đà Nẵng, có 57 dịch vụ tại các sở, ban ngành cấp tỉnh và 17 dịch vụ tại các quận, huyện như: tại Cục Hải quan Đà Nẵng, dịch vụ khai báo hải quan điện tử đã được triển khai trên 80% tổng số tờ khai hải quan; chương trình Quản lý cấp giấy phép lái xe tại Sở GTVT đã triển khai quản lý với hơn 480.000 giấy phép lái xe các loại...

Tháng 5/2010, Cổng Thông tin điện tử của thành phố (truy cập tại website www.danang.vn hoặc www.danangcity.gov.vn) chính thức được ra mắt và trở thành kênh trao đổi thông tin chính giữa người dân, du khách, doanh nghiệp với UBND thành phố. Tại đây, ngoài chức năng đầu mối tổng hợp và cung cấp các thông tin điện tử cho người dân, các tổ chức, các cá nhân có thể tiếp cận 25 dịch vụ công qua mạng (trong đó 15 dịch vụ công được xây dựng mới và 7 dịch vụ công được tích hợp từ các web chuyên ngành).

Theo ông Phạm Kim Sơn, "năm 2011, Đà Nẵng sẽ tiếp tục phát triển thêm các dịch vụ công trực tuyến với mục tiêu: 25% dịch vụ ở mức độ 4 trong các lĩnh vực như văn hóa, thể thao, du lịch, công nghiệp, y tế...; 40% các trường phổ thông sử dụng học bạ điện tử; 50% hồ sơ cấp giấy phép xây dựng được nộp qua mạng...".

Thứ Ba, 29/03/2011 08:19
31 👨 411
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp