"Bạn có thể thuần hóa những chú vịt hoang dã, nhưng bạn không bao giờ có thể làm cho những chú vịt lại trở nên hoang dã một lần nữa. Chúng tôi bị thuyết phục rằng doanh nghiệp nào cũng cần "những chú vịt hoang dã". Thế nên, chúng tôi không cố gắng thuần hóa họ". Giống như cha mình, Thomas John Watson (con) cũng là người dám chấp nhận mạo hiểm. Ông cho rằng: "Đừng quá thận trọng, quá bảo thủ và quá an toàn. Chúng ta nên can đảm chấp nhận khi đó là những mạo hiểm có suy nghĩ".
Đừng cố thuần hóa một chú vịt hoang dã
Giống như cha mình, Watson con cũng là người chấp nhận mạo hiểm, muốn tìm con đường mà chưa từng ai đi và đánh cược tất cả tiền bạc vào đó. Đôi khi, ông cũng thua cược và đôi khi ông được bù đắp xứng đáng, nhưng tất cả chỉ chứng tỏ sự sẵn sàng thử những điều mới của Watson. Ông sẵn sàng trở thành "một chú vịt hoang dã" nếu điều đó mang lại lợi ích cho công ty.
Không chỉ thế, Watson khuyến khích những suy nghĩ độc lập trong nhân viên, tránh những rủi ro của suy nghĩ tập thể bằng mọi giá. "Nghĩ về mọi việc một cách thấu đáo là một công việc vất vả và đôi khi có vẻ như là cứ đi theo đám đông là an toàn hơn cả, nhưng về lâu dài nó sẽ nguy hiểm hơn suy nghĩ độc lập".
Trong những năm đầu, Watson đã dành 20 triệu USD để phát triển "siêu máy tính" như một phần của chương trình bành trướng mới của IBM. Đó là một quyết định mạo hiểm đáng giá 20 triệu USD và cũng có thể là một thất bại đáng giá 20 triệu USD Nhưng Watson biết rằng thành công sẽ đến cùng với thất bại. "Chúng tôi mong rằng đó sẽ là một sai lầm", ông nói. "Chúng ta phải tha thứ cho những sai lầm mà ai đó mắc phải vì người đó cố gắng hành động một cách xông xáo vì lợi ích của công ty".
Khi gặp phải càng nhiều mạo hiểm, Watson tin rằng nên chấp nhận chúng, vì không có mạo hiểm thì không bao giờ có tiến bộ. "Chúng tôi phải cố gắng để đưa ra những quyết định rõ ràng, tiến bộ, không đợi đến khi mọi thứ có thể", Watson nói. "Mỗi chúng tôi phải nhắm đến việc đưa ra các quyết đinh riêng và tránh quá trình ra quyết định mà tất cả các bên đều thích thú. Chúng tôi động viên nhau bằng điều thích hợp cho IBM hơn là bằng việc làm cho mọi người hài lòng".
Biến công ty trở thành nơi làm việc tốt nhất
Thomas John Watson con (1914 - 1993) - người đã tiếp nối cha nắm giữ tập đoàn máy tính IBM. |
Cả Watson cha và con đều xem việc đảm bảo rằng IBM là nơi mà mọi người muốn làm việc là ưu tiên hàng đầu. Từ việc chia sẻ lợi nhuận hào phóng cho nhân viên cho đến việc khuyến khích truyền thông cởi mở giữa nhân viên và quản lý, Watson con tiếp tục truyền thống của cha trong việc coi trọng sự hài lòng của nhân viên.
"Tôi muốn IBM nổi tiếng vì rất nhiều thứ, cho dù chúng tôi có lớn như thế nào đi nữa, tôi cũng muốn công ty này trở nên nổi tiếng vì có sự tôn trọng hết mực đối với từng cá nhân", Watson nói. "Đây là một công ty của con người chứ không phải máy móc, của phẩm chất chứ không phải sản phẩm, của con người chứ không phải là bất động sản".
Dưới sự lãnh đạo của Watson con, công ty đã đề ra quy trình tuyển dụng nghiêm ngặt - hàng loạt cuộc phỏng vấn cùng với cuộc kiểm tra thái độ. Một nhân viên của IBM có thể được làm việc trong mối trường mà họ được tự do nói lên các quan điểm của mình và được ban quản lý lắng nghe.
"Chúng tôi luôn tin tưởng rằng tài sản quan trọng nhất của chúng tôi là con người, và vì thế chúng tôi phải đi theo một nguyên tắc cơ bản trong việc cố gắng tuyển dụng, đào tạo và giữ những nhân viên tốt nhất có thể", Watson nói. "Nguyên tắc này, cùng với sự thừa nhận phẩm chất của mỗi cá nhân, là xương sống của mối quan hệ với nhân viên ở IBM".
Watson biết rằng không có những nhân viên trung thành và tận tâm thì không có thành công. "Chúng tôi tin vào tầm quan trọng của mỗi cá nhân ở IBM và không bao giờ quên điều đó. Chúng tôi nghĩ điều này quan trọng hơn bất kỳ sản phẩm điện tử hấp dẫn nào mà chúng tôi từng phát minh ra".
Ông cũng luôn cố gắng khiến nhân viên cũng có lòng trung thành và nhiệt tình với công ty giống như mình. "Không có chủ đề nào được các nhà điều hành ở IBM nhắc đến nhiều hơn là việc chu cấp cho nhân viên và gia đình của họ. Trước đây IBM tự hào vì lịch sử của nó, thì ngày nay, nó sẽ tự hào vì lòng trung thành và kỹ năng của mọi người".
Từ việc duy trì một hệ thống truyền thông cởi mở, hai chiều trong công ty tới những tiến bộ tổng thể và phương pháp đánh giá và thừa nhận, Watson đã đảm bảo rằng công ty của ông là một trong những nơi tốt nhất để làm việc.
Không có gì quan trọng hơn sự hài lòng của khách hàng
Bên cạnh nhân viên của IBM, không ai quan trọng với Watson hơn là khách hàng của công ty. Ông hiểu rằng sự hài lòng của khách hàng là trung tâm của thành công. Khi bắt đầu ngành công nghiệp máy tính mới, việc tiếp thị có thể tạo ra sự khác biệt đối với khách hàng, nhưng chỉ có những khách hàng hài lòng mới quay lại mua hàng của công ty.
"Sự phục vụ luôn luôn là dấu hiệu phân biệt của công ty chúng tôi, và nhìn vào những năm tháng phía trước, tôi nghĩ rằng sự chênh lệch giữa thành công và thất bại sẽ được đo lường nhiều hơn bằng sự phục vụ mà chúng tôi mang lại", Watson nói.
"Không có gì có thể mang lại thảm họa nhanh chóng với một doanh nghiệp và những con người trong đó hơn là việc phá vỡ sự truyền thông và hiểu biết", ông nói. Watson muốn tất cả các nhân viên của ông hiểu rằng khách hàng là ưu tiên số 1 của công ty - và mọi người đều được đối xử như một khách hàng tiềm năng.
Watson làm nóng việc điều hành của mình bằng một công thức đơn giản: làm cho khách hàng hài lòng và bạn sẽ nổi tiếng vào một ngày nào đó. Tất cả điều mà Watson làm là đảm bảo rằng IBM có khao khát đáp ứng mong muốn của họ và giúp họ bất cứ thứ gì họ cần. Máy móc có thể có sai sót, Watson biết rõ điều này. Nhưng ông cũng biết rằng khách hàng sẵn sàng bỏ qua cho những sai sót về máy móc chừng nào họ thấy một ai đó - một con người thực sự - quan tâm khi sự việc xảy ra.
Watson cho rằng: "Bố tôi thường khuyến khích mọi người nói rõ ràng và ông đã có ý tưởng đúng". Chính vì thế, từ việc phục vụ tới việc liên hệ với khách hàng, Watson luôn muốn làm cho mọi thứ trở nên đơn giản. Ông nghĩ: "Một trong những điều đáng châm biếm của doanh nghiệp chúng tôi là chúng tôi có thể chuyển thông tin phức tạp nhất chỉ trong 1 giây qua máy tính, nhưng khi sử dụng ngôn ngữ nói hoặc viết để truyền đạt với người khác, chúng tôi đều sa vào dùng các biệt ngữ, khiến cho mọi thứ tối nghĩa hơn. Chúng tôi đặt các từ dài khi có thể dùng các từ ngắn, dùng các cụm từ khi chỉ nói đơn thuần là được".