Cuộc đua của các "ông lớn" tìm kiếm Web

Cuộc chạy đua giữa các tên tuổi truyền thống như Microsoft, Google, Yahoo và nhiều “lính mới” khác dường như chưa bao giờ kết thúc. Trong cuộc đua đó không có chỗ dành cho kẻ yếu, và những kẻ mạnh như Google chỉ cần sơ hở đôi chút là có thể bị tụt lại đằng sau.

Thực tế cho thấy mặc dù chiếm giữ vị trí độc tôn trên thị trường tìm kiếm web hiện nay nhưng không phải ai cũng dùng Google Search hay Yahoo Search. Mặc dù rất mạnh nhưng các công cụ này không phải là tất cả. Chính vì lẽ đó mà nhiều tên tuổi khác như Ask, Answers, Mahalo, Aardvark, ChaCha… vẫn còn đất sống.

Những thế hệ tìm kiếm mới

Nếu bạn là một “fan” trung thành của Google thì tôi chắc rằng bạn không biết vẫn còn rất nhiều công cụ tìm kiếm đặc thù khác, mà ở mặt nào đó chúng còn hiệu quả hơn cả Google. Gần đây, giới công nghệ xôn xao về sự xuất hiện của Wolfram Alpha (http://www.wolframalpha.com/), được quảng cáo là công cụ tìm kiếm thông minh theo dạng hỏi đáp. Wolfram Alpha giúp mang lại những kết quả tìm kiếm thiết thực và chính xác hơn cho người dùng, thay vì đưa ra danh sách gợi ý dài dằng dặc như Google hiện nay.

Hay như Hunch (http://www.hunch.com/), cũng là một dạng công cụ tìm kiếm mới, trợ giúp đắc lực cho người dùng trước khi họ quyết định mua bán hoặc làm một điều gì đó. Hunch cũng như các tên tuổi khác như Answers.com, Mahalo, Aardvark, ChaCha, và Yahoo Answers đang cố khai thác những lợi thế của mình. Đó là lợi thế mà một công cụ tìm kiếm dựa trên từ khóa của Google không thể có. Google không thể đưa ra những giải pháp cụ thể trong những tình huống cụ thể. Thay vào đó nó chỉ đưa ra các giải pháp chung chung, và đôi khi khiến cho người dùng mất nhiều thời gian.

Người sáng lập ra Hunch chính là Caterina Fake, từng sáng lập nên trang web chia sẻ ảnh trực tuyến Flickr, và bán trang web này cho Yahoo! năm 2005. Quan điểm của Caterina Fake chính là trong một thế giới tương tác như hiện nay, sức mạnh và trí tuệ của cộng đồng người dùng là rất lớn nhưng chúng vẫn chưa được khai thác một cách hiệu quả. Wikipedia và các trang kiến thức như Digg là minh chứng cụ thể cho sự đóng góp trí tuệ này. Fake mô tả Hunch như là nguồn thông tin tham khảo bổ ích và có giá trị thực tiễn đối với người dùng.

Nhu cầu người dùng là yếu tố quyết định

Sau khi bán Flickr cho Yahoo, Fake vẫn làm việc cho Yahoo một thời gian. Chính bà là một trong số những người có đóng góp quan trọng nhất trong việc xây dựng trang web tìm kiếm theo dạng thức Hỏi-Đáp - Yahoo Answers. Ra mắt từ năm 2005, mỗi tháng trang web này thu hút hàng chục triệu người dùng. Cơ sở cho sự tăng trưởng này chính là việc Yahoo Answers đưa ra những câu trả lời phù hợp nhất với người dùng. Trên thực tế, Yahoo Answers còn thu hút cả những người dùng từ các công cụ tìm kiếm truyền thống như Google.

Khác với Google, cơ chế sử dụng của Hunch hơi khác biệt chút ít. Trong lần sử dụng đầu tiên, người dùng phải trả lời khoảng 5-10 câu hỏi để xác định thói quen, sở thích, và quan điểm của bạn đối với sự vật, hiện tượng xung quanh. Còn từ lần truy cập thứ 2, máy tính sẽ tự động lưu thói quen của bạn để đưa ra những gợi ý cụ thể nhất. Để tư vấn cho bạn về một vấn đề nào đó, Hunch thường đưa ra những câu hỏi đơn giản, vui nhộn và những thông tin liên quan rồi cung cấp cho bạn những gợi ý cụ thể nhất.

Thăng trầm

Tuy nhiên, trong quá khứ không phải lúc nào những công cụ tìm kiếm kiểu hỏi-đáp như thế này cũng được ưu ái. Tháng 5 vừa qua, Microsoft tuyên bố đóng cửa MSN QnA, một dạng dịch vụ tương tự như kiểu Yahoo Answers. Còn tháng 3 vừa rồi, người sáng lập ra Wikipedia là Jimmy Wales cũng tuyên bố “dẹp tiệm” Wikia Search, một dự án có tuổi đời ngắn ngủi vốn cung cấp cho người dùng các kết quả tìm kiếm dựa trên thói quen của họ. Còn Google, từng ấp ủ với dự án Google Answers, cuối cùng cũng tuyên bố hủy bỏ trang tìm kiếm theo dạng hợp tác này để tập trung nguồn lực nhiều hơn cho việc cải tổ và cung cấp các phương thức tìm kiếm mới. Lý do mà Google đưa ra chính là cộng đồng của Google Answers còn hạn chế, và rằng họ không đủ nguồn lực để duy trì chúng.

Quả thực, cộng đồng người dùng luôn là yếu tố quyết định sự tồn tại của bất cứ công cụ tìm kiếm nào. Nói như Brady Forrest, người từng làm việc với các nhóm nghiên cứu của Microsoft, đồng thời có công xây dựng MSN QnA, “bạn phải có một lượng người dùng đáng kể, những người sẵn sàng dành thời gian đóng góp cho các nỗ lực phát triển dịch vụ chung”.

Lợi nhuận

Vậy những công cụ tìm kiếm kiểu hỏi-đáp thế này có mang lại nhiều lợi nhuận như các công cụ tìm kiếm khác hay không? Câu trả lời là có! Hunch dự tính sẽ thu được lợi nhuận khi gửi cho người dùng những trang web mua sắm kiểu như Amazon.com. Mặc dù mức phí rất nhỏ nhưng rõ ràng các trang web kiểu như Amazon.com sẽ hưởng lợi nhiều hơn, bởi thường những ai vào Hunch đều xác định sẽ mua sắm cho mình một vật dụng nào đó.

Theo các nhà phân tích, Google và các công cụ tìm kiếm theo kiểu từ khóa khác sẽ mất khá nhiều khách hàng vì những đối thủ cạnh tranh như kiểu Hunch. Hunch mang lại những trải nghiệm mới mà người dùng chưa từng được thử nghiệm trước đây, và trên thực tế đó đều là những trải nghiệm thiết thực và hữu ích.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa những công cụ tìm kiếm truyền thống lại mất lợi thế trong cuộc chiến cạnh tranh này. Cách thức phổ biến nhất vẫn là nâng cấp dịch vụ tìm kiếm để chúng hoạt động thông minh hơn. Tháng 5/2009, Microsoft đã công bố công cụ tìm kiếm Bing, một dạng kết hợp giữa tìm kiếm Web với dạng thức tìm kiếm hỏi-đáp. Trang web tìm kiếm này thậm chí còn cung cấp những thông tin chi tiết kiểu như giá vé máy bay trung bình giữa tuyến Tokyo-New York.

Các đối thủ của Google

Là công cụ tìm kiếm thông dụng nhất hiện nay, Google chiếm tới 64% thị phần tìm kiếm và mỗi ngày có tới hàng trăm triệu truy vấn tìm kiếm được thực hiện trên website này. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, Google không phải là tất cả, vẫn có rất nhiều công cụ tìm kiếm khác mà người dùng có thể tìm thấy ở đó những hiệu quả cụ thể tùy theo nhu cầu đặc thù của họ.

+ www.vark.com: Tìm kiếm bằng cách hỏi bạn bè và những người có kiến thức về những vấn đề mà bạn quan tâm.

+ www.answers.com: Câu trả lời chủ yếu dựa trên các nguồn sách báo, chẳng hạn như quyển bách khoa toàn thư Encyclopedia Britannica.

+ www.ask.com: Một dạng dịch vụ tìm kiếm hỏi-đáp điển hình.

+ www.bing.com: Một sản phẩm tìm kiếm mới tinh và đầy kỳ vọng của Microsoft.

+ www.chacha.com: Dịch vụ tìm kiếm dành cho ĐTDĐ.

+ www.cuil.com: Mặc dù được kỳ vọng là đối thủ cạnh tranh với Google, nhưng cái cách mà Cuil thể hiện vẫn chưa thực hiện ấn tượng mấy.

+ www.dogpile.com: Được coi là công cụ tìm kiếm của các công cụ tìm kiếm, Dogpile tổng hợp tìm kiếm từ Google, Yahoo!, Live Search và nhiều dịch vụ khác.

+ www.hunch.com: Cũng là một dạng dịch vụ tìm kiếm hỏi-đáp điển hình.

+ www.mahalo.com: Những câu trả lời được đưa ra bởi chính đội ngũ hỗ trợ chứ không phải là máy.

+ www.omgili.com: Tìm kiếm thông tin trên các diễn đàn, và mạng xã hội.

+ www.technorati.com: Công cụ này chỉ cung cấp một chức năng duy nhất, đó là chỉ ra có bao nhiều nguồn thông tin liên kết tới một bài viết cụ thể trên blog của bạn.

+ www.twitter.com: Vừa là mạng xã hội nhưng cũng là một công cụ tìm kiếm thông tin cực kỳ hữu ích cho người dùng.

+ www.wikipedia.org: Không ai có thể nghi ngờ về vai trò to lớn của quyển bách khoa toàn thư này.

+ www.wolframalpha.com: Cũng là một công cụ tìm kiếm mới tinh và gây xôn xao dư luận trong thời gian vừa qua.

+ www.yahoo.com: Mặc dù không mạnh bằng Google, nhưng công cụ tìm kiếm của Yahoo vẫn được rất nhiều người tin dùng.

+ http://answers.yahoo.com: Cũng là một sản phẩm của Yahoo nhưng là dạng tìm kiếm hỏi-đáp.

Thứ Tư, 17/06/2009 08:41
31 👨 303
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp