Cuộc chiến sở hữu bản quyền phát minh của thế giới công nghệ lại một lần nữa dậy sóng, với sự tham gia của những tên tuổi lớn như Motorola, Apple, Google và Oracle.
"Apple vi phạm bằng phát minh của Motorola"
Đó là phán quyết chính thức mới nhất từ Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ICT), Apple đã vi phạm một bằng phát minh về công nghệ mạng không dây 3G, vốn thuộc sở hữu hợp pháp của Motorola.
Ảnh minh họa: Internet
Không chỉ trực tiếp xâm phạm bản quyền, ICT còn tìm thấy bằng chứng cho thấy Apple đã “xui khiến” các hãng khác thực hiện hành vi xâm phạm bản quyền công nghệ của Motorola, “mà không hay biết về điều đó” - thẩm phán luật hành chính, ông Thomas Pender trả lời phỏng vấn báo nước ngoài.
Quyết định của ICT là kết quả khép lại vụ tố tụng có từ năm 2010, khi Apple bị Motorola cáo buộc vi phạm 5 bằng phát minh của hãng này. Motorola yêu cầu Apple phải “chấm dứt ngay lập tức các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của mình” - đồng nghĩa với nguy cơ ngừng dây chuyền sản xuất các sản phẩm Apple đã “lỡ” sử dụng công nghệ nói trên, bao gồm iPod Touch, iPhone và iPad.
Tháng 8 là hạn chót để ICT ra phán quyết cuối cùng để xem xét về việc có nên áp đặt lệnh trừng phạt lên Apple hay không.
CEO Apple mong cuộc chiến bản quyền sẽ đến hồi kết
Trong một buổi họp báo gần đây, CEO Apple Tim Cook bày tỏ cảm xúc cá nhân về hàng loạt vụ kiện tụng và tranh chấp các bản quyền công nghệ mà công ty của ông đang liên đới, nói rằng ông “ghét” sự vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và mong muốn “các bên giải quyết thông qua đàm phán”.
CEO Tim Cook của Apple - (Ảnh minh họa: Digitaltrends)
Dù cố lãnh đạo Apple Steve Jobs từng tuyên bố muốn dùng “vũ khí hạt nhân” để giải quyết các tranh chấp bản quyền công nghệ, nhưng có vẻ như người thay thế ông là Tim Cook lại muốn đi theo xu hướng ôn hòa, tờ Digitaltrends bình luận.
Tuy nhiên, gã khổng lồ vùng Cupertino cũng sẽ không đột ngột rút lui trước mọi vụ tranh chấp, đây là điều sẽ không bao giờ xảy ra. Ý của Tim Cook cho thấy ông muốn tập trung hướng phát triển của Apple vào việc tạo ra các sản phẩm mang tính đột phá cao về công nghệ, hơn là bị xao nhãng, lãng phí tiền của và thời gian vào những vụ tranh chấp bằng sáng chế, mà tiêu biểu là 20 vụ kiện tụng mà “Quả táo” hiện đang phải giải quyết với Samsung tại tòa án ở 10 quốc gia trên thế giới.
Tuyên bố của Tim Cook cũng được đưa ra không lâu sau khi có tin cá nhân ông cùng CEO Samsung Choi Gee Sung đồng ý đàm phán theo gợi ý của một tòa án cấp quận ở Hoa Kỳ, nhằm giải quyết việc Apple cáo buộc Samsung đã “sao chép một cách ác ý kiểu dáng công nghiệp của iPhone và iPad, để sử dụng trong dòng sản phẩm Galaxy của hãng điện tử Hàn”.
Nếu không thể đi đến một thỏa thuận cuối cùng, hai công ty sẽ phải hầu tòa vào thời điểm cuối tháng 7.
Sun Microsystem muốn 50 triệu USD từ Google
Minh họa cuộc chiến pháp lý giữa Oracle và Google - (Ảnh minh họa: Internet)
30-50 triệu USD là số tiền mà Sun Microsystems muốn Google phải trả cho bản quyền mà Google đã sử dụng trong Java để xây dựng Android. Thế nhưng gã khổng lồ tìm kiếm đã từ chối yêu cầu này, thay vào đó sẽ tự phát triển công nghệ bổ sung cho hệ điều hành Android của mình - chủ tịch trực tiếp Eric Schmidt phát biểu tại buổi lấy lời khai trong vụ tố tụng giữa Oracle và Google vào ngày 25-4.
Thay vì dùng Java, Google đã bắt đầu phát triển Dalvik, “một công nghệ bổ sung hoàn hảo”, tương thích tốt với Java mà không cần phải dùng đến mã nguồn của ngôn ngữ này.
Eric Schmidt - (Ảnh: Internet)
Oracle - hiện là pháp nhân sở hữu Sun Microsystems - từ lâu đã lên tiếng cáo buộc Google vi phạm các bản quyền sáng chế liên quan đến ngôn ngữ lập trình Java. Hãng này đang tìm kiếm các khoản tiền bồi thường lên đến hàng chục triệu USD, cũng như đòi được chia sẻ phần lợi nhuận sẽ có được trong tương lai nhờ hệ điều hành Android của Google.