Công nghiệp outsource "phát hiện" ra... Việt Nam

Với chân dung chủ tịch Hồ Chí Minh hiền từ treo đối diện từ cửa ra vào, cùng chiếc quạt trần cũ quay chậm chạp phía trên đầu, phòng làm việc World'Vest Base giống như một cơ quan hành chính hơn là một văn phòng làm việc hiện đại của một công ty nước ngoài.

Tuy vậy, đây lại là căn phòng chứa đựng một trong những "tiền đồn" khác thường của quá trình chuyển đối cơ cấu việc làm công nghệ cao tới những quốc gia đang phát triển của thế giới, còn được biết đến với khái niệm gia công phần mềm hay thuê ngoài (outsourcing).

Hàng dãy nhân viên trẻ người Việt mới tốt nghiệp đại học đang ngồi làm việc cho hãng World'Vest Base tại Hà Nội, một công ty có trụ sở chính nằm tại Chicago (Mỹ). Họ tìm kiếm mọi thứ trên Internet, từ các mức giá thị trường chứng khoán đang nổi lên, cho tới các bản báo cáo kinh doanh của các doanh nghiệp đệ trình lên Uỷ ban Chứng khoán và Hối đoái SEC ở tận Mỹ... Họ copy các dữ liệu vào những bảng tính Excel và gửi e-mail tới các khách hàng trên toàn thế giới.

Việt Nam đang đẩy mạnh nỗ lực để tự chuyển mình thành một trung tâm điểm outsourcing lớn tại châu Á. Các kiến thức toán học từ lâu đã là môn học thế mạnh trong hệ thống giáo dục của Việt Nam, và hiện tại Chính phủ Việt Nam đang cố gắng đào tạo một nguồn nhân lực có kỹ năng về máy tính và lập trình dồi dào để phát triển ngành công nghiệp gia công phần mềm.

Giá nhân công rẻ, sức hút của outsource

Trong thời điểm hiện tại, mức lương nhân công tại Việt Nam vẫn còn "rẻ một cách đặc biệt": World'Vest Base đã thuê các cử nhân đại học mới ra trường với những bằng cấp về kế toán và tài chính, nhưng chưa có kinh nghiệm làm việc, với mức lương khởi điểm chỉ là 100 USD/tháng. Mức lương này chỉ nhỉnh hơn một chút so với một công nhân nhà máy không có kỹ năng và bằng cấp gì tại nước láng giềng Trung Quốc (!).

Chi phí nhân công rẻ và kỹ năng toán học rất vững chắc của Việt Nam đang trở thành một sự kết hợp nền tảng vượt trội, khiến một số chuyên gia thế giới về công nghệ đang tin tưởng rằng quốc gia này đang có những cơ hội lớn để trở thành một trung tâm gia công phần mềm mới tại châu Á.

Ông Peterson là một cựu binh Mỹ từng chiến đấu tại Việt Nam và bị bắt, người đã trở thành đại sứ đầu tiên của Mỹ tại Việt Nam sau khi Tổng thống Mỹ Clinton tuyên bố bình thường hoá quan hệ giữa hai nước. Ông Pete Peterson nói: "Trong năm năm tới, bạn sẽ thấy Việt Nam cạnh tranh với Ấn Độ và một số quốc gia gia công phần mềm lớn khác tại châu Á".

Thực tế, Việt Nam vẫn đang còn phải đối mặt với những khó khăn không nhỏ với việc xuất khẩu hàng trăm ngàn lao động kỹ năng thấp sang các quốc gia như Ấn Độ, Malaysia và Philippines, và chỉ có một số ít công việc lập trình máy tính được trả lương cao hơn. Tuy nhiên, đó mới chính là nguồn nhân lực đã giúp chuyển đổi các thành phố như Bangalore và Hyderabad của Ấn Độ thành những mô hình phát triển kinh tế thịnh vượng nhất dựa vào gia công phần mềm.

Khả năng đọc viết tiếng Anh của lao động Việt Nam hiện vẫn chỉ được đánh giá ở mức thấp, trong khi đây lại là yếu tố rất quan trọng của ngành công nghiệp gia công phần mềm. Hệ thống giao thông của Việt Nam vẫn chưa phát triển, cũng như chưa được đầu tư nhiều từ các nước phát triển để xây dựng các nhà máy sản xuất và đô thị hiện đại như Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhiều công ty công nghệ cao của thế giới như IBM, HP, Microsoft... đều đã tới hoạt động tại Việt Nam từ khá lâu. Hãng Atlas Industries Ltd. đã có 100 nhân viên tại thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện các công việc kỹ thuật như chuyển đổi các hình vẽ kiến trúc từ Anh thành các bản thiết kế chi tiết cho các công ty xây dựng của Anh có thể sử dụng. Ông Joseph Woolf, giám đốc điều hành và sáng lập viên của Atlas Industries, cho biết ông lựa chọn Việt Nam chứ không phải Ấn Độ vì "các nhân viên người Việt trung thực hơn và ít có xu hướng thay đổi việc làm liên tục hay tìm việc làm ở nước ngoài. Đây là hai vấn đề lớn mà một số công ty đã gặp phải tại Ấn Độ".

Ông Joseph Woolf nói: "Mọi người ở đây tận tuỵ hơn với công ty, với đất nước và với gia đình họ".

Hiện tại, ông Woolf cho còn quá nhạy cảm để cân nhắc về việc chuyển hẳn hoạt động của các kiến trúc sư Anh sang Việt Nam. Ông viện dẫn rằng tất cả các công ty khách hàng của mình tại Anh và các hãng kiến trúc thành công đều thường mở rộng và tuyển thêm nhân viên, chứ không giảm biên. Tuy nhiên, chuyện mất việc làm sẽ xảy ra ở những hãng bị mất thị phần và thu hẹp hoạt động.

Nguồn nhân lực có trình độ cao

Tại trung tâm gồm 38 nhân viên của World'Vest Base ở Việt Nam, các thanh niên trẻ cả nam và nữ luôn ngồi trước các máy tính kết nối Internet tốc độ cao. Vừa lướt Web, họ vừa điền vào bảng tính Excel các mức giá từ các thị trường chứng khoán khó hiểu từ các nơi như Kazakhstan và Mauritius, sau đó phân phối chúng tới các nhà đầu tư chuyên biệt về các thị trường mới nổi.

Để tư vấn cho những nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội ở những thị trường chứng khoán lớn hơn, họ (những nhân viên Việt Nam của World'Vest Base) sẽ dựa vào các dữ liệu tài chính từ các báo cáo thường niên của Pháp và lần tìm các báo cáo kinh doanh mà các công ty phải gửi cho Uỷ ban Chứng khoán Hối đoái Mỹ SEC. Họ cũng thu thập dữ liệu từ các công ty bản địa đang tìm kiếm cơ hội chứng tỏ khả năng tiềm lực tín dụng của mình với các ngân hàng quốc tế.

Trần Nam Nhật, 28 tuổi, đã tìm thấy báo cáo thường niên trên mạng của Groupe Global Graphics ở Pháp và copy các khoản dự trữ ngân sách của công ty này vào cơ sở dữ liệu. Màn hình screensaver của cô là một bức ảnh về chiếc cầu gỗ nhỏ dành cho người đi bộ nối ra ngôi đền giữa hồ Gươm, một biểu tượng lâu đời của Hà Nội và là nơi hò hẹn của những cặp tình nhân.

Nguyễn Cẩm Nhung, 23 tuổi, một "tay có nghề" sau sáu tháng làm công việc này, đang ngồi gần đó và hướng dẫn Trần Trọng Tuấn, 25 tuổi, vừa được tuyển dụng vào World'Vest Base. Anh chàng này đang kéo lên xuống trên màn hình một bản báo cáo lên S.E.C. của Công ty 3M tại Mỹ, để tìm kiếm những số liệu sụt giảm giá của năm ngoái.

Tuấn chia sẻ cởi mở: "Tôi đang học được những thứ rất mới mẻ về tài chính".

Jonathan Bloch, giám đốc điều hành của Exchange Data International, một công ty tại London chuyên cung cấp thông tin tài chính cho những ngân hàng đầu tư lớn và các khách hàng khác, cho biết dữ liệu của World'Vest Base không hề đắt tiền và đáng tin cậy.

"Chúng tôi cũng outsource sang Ấn Độ và Cộng hoà Czech." - ông Bloch nói - "Việt Nam cũng đang là một lựa chọn khá khả quan, tôi nghĩ họ có tiềm năng hoàn toàn ngang bằng với Ấn Độ và Czech".

"Phát hiện ra" Việt Nam

Chuyến tới thăm Việt Nam của ông Philippe O. Piette, giám đốc điều hành của World'Vest tại Hà Lan, nằm trong chuyến hành trình cho thấy các công ty đã sẵn sàng đi xa tới mức nào để tìm kiếm nguồn nhân công rẻ.

Nỗ lực từ bốn năm trước nhằm mở rộng hoạt động ra nước ngoài, ông Piette ban đầu đã cân nhắc chọn Dubai vì ông muốn bán các dữ liệu thị trường từ các quốc gia nói tiếng Ả Rập. Nhưng ông nhận ra các chi phí ở Dubai quá đắt, và cũng có quá ít người Ả Rập có thể tuyển dụng. "Nguồn nhân lực dồi dào chỉ có ở người Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan và Philippines - không có người Ả Rập".

Ông Piette cân nhắc Ấn Độ, nhưng đã thất vọng vì cái ông nhìn thấy là sự tuỳ tiện và chất lượng kém trong quá trình hoạt động nhập liệu ở đó. Nên ông đã quyết định mở một văn phòng hoạt động vào thời điểm ba năm trước tại Kuala Lumpur (Malaysia), một quốc gia sử dụng nhiều thứ tiếng với nhiều dân tộc khác nhau. Nhưng mức nhân công ở Kuala Lumpur vẫn khá cao: 450 USD/tháng cho một sinh viên mới ra trường và tới 800 USD/tháng cho một người chỉ mới có vài tháng kinh nghiệm. Nhưng thậm chí như vậy cũng đã là mức hy vọng của ông Piette về chi phí nhân công.

"Chúng tôi đã mất rất nhiều nhân viên - chúng tôi trở thành nền tảng đào tạo nhân viên hoàn hảo cho các ngân hàng đầu tư và môi giới chứng khoán." - ông nói.

Ông Piette muốn cung cấp thêm dữ liệu từ các quốc gia nói tiếng Pháp và tìm tới các nước thuộc địa cũ của Pháp ở Đông Dương. Ông đã tham khảo ý kiến một nhà ngoại giao về Campuchia và được trả lời là không có hy vọng thực hiện. Sau đó, ông đã bay tới Hà Nội vào cuối năm ngoái.

Sau năm thập kỷ thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp, trong con mắt một công dân nhập cư vào Mỹ của ông Piette, Hà Nội vẫn còn nghèo, hầu như chưa có những toà chọc trời và đường phố vẫn chen chúc vô số xe máy và xe đạp.

Không bị thoái chí về những thất vọng ban đầu, ông vẫn tiếp tục điều tra khả năng triển khai hoạt động.

Ông nhận thấy rằng người Việt Nam không chỉ có nhiều người biết tiếng Pháp, mà còn có cả một lượng không nhỏ những người thành thạo tiếng Anh. Đó là chưa kể tới rất nhiều người giỏi tiếng Nga và tiếng Đức, đã từng học tập và làm việc tại Liên Xô (cũ) và Đông Đức thời trước.

Trong khi World'Vest Base hiện vẫn chỉ có 56 nhân viên làm việc tại Kuala Lumpur, sự mở rộng lớn nhất hiện đang tập trung vào Việt Nam, nơi Piette hiện vẫn chỉ phải trả khoảng 400 USD/tháng cho môt số nhân viên tuyển dụng đầu tiên của mình, những người làm việc đặc biệt hiệu quả và tận tuỵ gắn bó với công ty.

Thứ Sáu, 01/10/2004 08:30
31 👨 572
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp