Màn hình 3D đang là xu hướng xem phim tại gia mới của các hãng màn hình nhưng vẫn đang đối mặt với các vấn đề về tương thích.
Triển lãm IFA năm nay là nơi trưng bày công nghệ hiển thị hình ảnh 3 chiều với các sản phẩm đến từ đủ các tên tuối lớn. Công nghệ 3D giờ đây không chỉ giới hạn trong phim rạp mà đang dần mở rộng tới xem phim 3D hay chơi game 3D tại gia.
Dùng kính xem phim 3D tại IFA 2009 diễn ra ở Đức. Ảnh: Cnet.
Đầu tuần này, CEO của Sony, Howard Stringer cho biết, năm tới, hãng này sẽ cho ra mắt loạt sản phẩm công nghệ tương thích 3D như đầu Blu-ray, máy chơi game PlayStation 3 và dòng laptop Vaio. Panasonic cũng ấp ủ ý tưởng Full HD 3D của mình, còn Nvidia và JVC thì trình diễn màn hình và TV có khả năng biến các video game trên máy tính thành hình ảnh 3 chiều.
Mặc dù xu hướng ủng hộ ý tưởng 3D từ các nhà sản xuất đã rất rõ ràng, nhưng bằng chứng về việc người dùng thích các nội dung 3D tại gia lại khá ít ỏi. Hầu hết mọi người đang vẫn quen với việc bỏ thêm tiền để vào rạp xem phim 3D bằng cặp kính chuyên dụng, còn một số khác thì vẫn phàn nàn về việc khó mà có thể xem phim 3D dài hơn 10 phút. Vậy tại sao mà các nhà sản xuất lại quá sốt sắng đến như vậy.
Nguyên do bắt nguồn từ hai yếu tố. Thứ nhất, mọi người đang bắt đầu xem phim 3D. Các phim "hot" gần đây với nội dung 3D như Up, Monsters vs. Aliens, và Ice Age: Dawn of the Dinosaurs, cho thấy định dạng này thực sự cũng mang lại sự thú vị nhất định.
Nhưng trên tất cả, đó là các công ty điện tử coi định dạng mới là yếu tố để bán hàng, để phân biệt tên tuổi của họ với các nhãn hiệu khác mà khách hàng đang có tại nhà. Giá của Blu-ray đang xuống và định dạng này đã có một thành công đáng kể. Một màn HDTV bên cạnh việc đang trở thành vật phải có trong nhà, còn là một tiện nghi nữa. Các nhà sản xuất luôn luôn có xu hướng tìm kiếm một thứ gì đó mới lạ để có thể thuyết phục người dùng nâng cấp. Và hiện tại, 3D chính là thứ mà họ nhắm tới.
Trong khi cuộc đua tìm kiếm ngôi vị màn hình 3D tại gia vẫn đang tiếp diễn thì một số tên tuổi khác lại tỏ vẻ hờ hững. Cả Philips và Toshiba đều cho biết họ đã thử nghiệm xu hướng 3D tại gia, nhưng có vẻ như các nội dung này vẫn chưa được chào đón lắm.
Trong gian hàng của mình tại triển lãm IFA, Philips trưng bày sản phẩm mẫu màn cinema siêu rộng tỷ lệ 21:9 của mình kèm thêm một đầu Blu-ray, cả hai đều tương thích nội dung 3D. Tuy nhiên, một điều thú vị là họ chưa có kế hoạch sản xuất bất kỳ sản phẩm TV 3D thương mại nào trong tương lai gần. Họ thừa nhận là công nghệ này "vẫn chưa hẳn tới mức".
Toshiba cũng có giọng điệu tương tự. Giám đốc tiếp thị hình ảnh Sascha Lange cho biết "3D là công nghệ rất thú vị và chúng tôi cũng đang rất quan tâm. Nhưng hiện tại, chúng tôi không thể đưa ra một tuyên bố rõ ràng về thời điểm tham gia".
Với các tuyên bố này, dù có thể coi Toshiba và Philips là hai hãng theo xu hướng bảo thủ, nhưng sự việc không đơn giản có vậy. Bởi lẽ, ngay cả Sony và Panasonic vốn rất nỗ lực thuyết phục người dùng về việc xem phim 3 chiều tại gia cũng chưa có một sản phẩm thực sự nào cả. Và lý do mà cả Philips lẫn Sony dù đề cập nhưng vẫn che đậy, đó là việc thiếu chuẩn chấp nhận được cho các phim 3D.
Philips vốn là một thành viên rất tích cực của hiệp hội chuẩn Blu-ray đang trên đà 3D cho biết lý do hãng chưa đi theo xu hướng 3D tại gia bởi lẽ chuẩn về định dạng này vẫn chưa được thống nhất.
Sony cũng nhận thức được điều này. CEO Stringer vừa rồi cho biết "3D rõ ràng đang trên đà ra mặt thị trường, nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề chưa được giải quyết". Mặc dù không đề cập đến chi tiết, nhưng khá rõ ràng, ông muốn nói đến vấn đề về chuẩn.
Bên cạnh việc chưa có chuẩn cho hình ảnh 3D, mà thậm chí còn chưa có công nghệ chuẩn cho các phim 3D chiếu rạp. Đó là lý do tại sao mà tùy thuộc vào bạn xem phim ở rạp nào, bạn sẽ phải mang kính chuyên dụng xem 3D cho rạp đó.
Theo Cnet, sự thiếu đồng thuận còn lan tới cả không gian phòng khách tại gia, và nó góp phần giải thích lý do tại sao mà một số phim 3D thành công như phim về ban nhạc U2 (phim U2:3D) chẳng hạn lại chưa thể in ra đĩa. Chất lượng phim sẽ không đồng nhất và việc cố gắng tái tạo cùng một hiệu ứng như khi mọi người xem ở rạp trên các đầu Blu-ray và màn TV khác nhau gần như là điều không thể ở thời điểm hiện tại.
Tất nhiên, không thể nói vấn đề về chuẩn là không thể giải quyết hay những người xem phim không muốn xem nội dung 3D tại gia, chỉ là ở thời điểm hiện tại chuẩn này có vẻ vẫn còn chưa tìm được đường đi cho chính mình.