Không phải doanh nghiệp nào cũng có thể cung cấp dịch vụ tìm kiếm và lưu trữ thông tin trên mạng. Nếu làm được thì ngoài việc cạnh tranh với các đối thủ khác, họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị kiện tụng, hoặc bị thổi còi do đăng tải hoặc liên kết với những nội dung phạm luật. Vấn đề ở chỗ họ sẽ phải chịu trách nhiệm với các sự cố đó như thế nào, và các cơ quan luật pháp nhìn nhận vấn đề đó ra sao.
YouTube = scandal
Trang chia sẻ video trực tuyến này thuộc quyền quản lý của Google, hãng cung cấp dịch vụ tìm kiếm Web lớn nhất thế giới. Trong thời gian qua, cái tên YouTube thường gắn liền với câu chuyện kiểm duyệt nội dung, và những bài học mà Google có được cũng chẳng dễ chịu gì. YouTube bị cấm truy cập tại rất nhiều quốc gia bởi nó như một cái chợ tự do ra vào, ai thích đưa cái gì lên thì đưa, mặc cho đó có thể là video khiêu dâm, mang nội dung đả kích, báng bổ, xúc phạm, và thậm chí là phạm luật. Hiện YouTube đang lưu trữ hàng tỉ đoạn video, và không phải video nào cũng thuộc loại chuẩn mực.
Chuyện kiện tụng với YouTube diễn ra như cơm bữa, và nó cũng làm cho Google hao tốn không ít tiền bạc và sức lực. Cũng vì lẽ đó mà Google đang duy trì một đội ngũ luật sư hùng hậu để đối phó với tòa án. Nhưng không phải vì thế mà hãng này có thể “kê cao gối để ngủ ngon”.
YouTube có vấn đề tại một loạt quốc gia như Ý, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia… Cơ chế mở cửa của YouTube cho phép bất cứ ai cũng có thể đăng tải nội dung video mà mình thích lên trên đó. Thế nhưng, mỗi quốc gia lại có luật pháp riêng mà các nhà cung cấp dịch vụ của nước ngoài phải tuân thủ.
Chẳng hạn như tại Thái Lan, YouTube bị yêu cầu gỡ bỏ video xúc phạm Quốc vương; còn tại Hàn Quốc, YouTube được cho là nguyên nhân khiến cô diễn viên nổi tiếng Choi Jin Sil tự tử sau khi chuyện tình cảm riêng tư bị tung lên mạng; hay tại Thổ Nhĩ Kỳ, YouTube cũng bị luật pháp “sờ gáy” sau khi đăng tải một đoạn video clip được cho là lăng mạ đất nước.
Trong tất cả những trường hợp tương tự kiểu này, YouTube sẽ phải làm việc với cơ quan luật pháp bản địa. Nếu tình hình xấu đi thì YouTube sẽ bị cấm truy cập và dần bị loại bỏ khỏi môi trường Internet của nước đó. Mặc dù vận hành theo luật Mỹ thì trang chia sẻ video trực tuyến này vẫn phải tuân thủ luật pháp tại nơi chúng cung cấp dịch vụ.
Bị dính “phốt”, hậu quả thế nào?
Trường hợp YouTube bị cấm truy cập xem ra vẫn còn may chán so với việc Google dính vào vòng lao lý. Đó có thể là bị kiện đòi bồi thường (thường xuyên xảy ra), hoặc nghiêm trọng hơn là bị khởi tố, chẳng hạn như trường hợp của 3 giám đốc Google tại Ý. Câu chuyện cũng chỉ xoay quanh việc một kẻ nào đó đã đưa lên trang Google Video (dịch vụ chia sẻ video đầu tiên của Google trước khi mua lại YouTube) một đoạn video quay cảnh học sinh đánh đập bạn học cùng lớp.
Đoạn video trên đã được xem hơn 5.500 lần trong vòng 2 tháng trước khi bị gỡ xuống, và trở thành đoạn video được xem nhiều nhất trên trang Google Video tại Ý. Tuy Google cãi lý rằng họ đã gỡ đoạn video ngay sau khi có thông báo từ chính quyền sở tại nhưng tòa án Ý vẫn phán quyết cho rằng Google đã vi phạm luật riêng tư của nước này. Cụ thể, 3 giám đốc Google chịu trách nhiệm chính trong vụ việc đã bị khởi tố và bắt giam.
Và câu chuyện mới nhất liên quan tới việc Google phải “dứt áo ra đi” khỏi Trung Quốc đại lục. Từ trước tới nay, Google vẫn thực hiện cơ chế kiểm duyệt thông tin theo yêu của Bắc Kinh. Nhưng một thời gian sau, mà cụ thể là đầu năm vừa rồi, khi “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, Google quay ra phản ứng cho rằng hãng này không thể tiếp tục làm như thế nữa, và đề nghị đàm phán lại với chính quyền. Kết quả thế nào thì mọi người đã rõ.
Không riêng gì Google mà các công cụ tìm kiếm lớn như Baidu.com, Bing, Yahoo… cũng phải tuân thủ các ràng buộc với chính quyền sở tại. Vấn đề là các doanh nghiệp có thể chấp nhận ở mức độ nào mà thôi. Và như vậy luật pháp có những quy định mà ở đó các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ buộc phải tuân theo. Họ phải có trách nhiệm với sản phẩm mà mình cung cấp, cả về trách nhiệm đạo đức lẫn pháp lý, ngay cả khi những nội dung đó không do họ đưa lên.
Có lẽ câu chuyện liên quan nhất đối với độc giả là việc xalo.vn bị tạm dừng trao giải Sao Khuê. Tuy trang tìm kiếm web này dính “phốt” từ năm 2008 nhưng điều đó không có nghĩa xalo.vn là một sản phẩm "sạch" hoàn toàn. Xalo.vn từng bị cơ quan an ninh phát hiện chứa đựng các nội dung thô tục, các câu chuyện xuyên tạc lịch sử… đi ngược với thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Và việc có tiếp tục trao giải “Sao Khuê” cho cổng tìm kiếm thông tin này hay không vẫn còn chờ ý kiến của BTC. Còn dư luận nói chung có nhiều ý kiến không đồng tình với việc trao giải cho xalo.vn.