Skype đã được Microsoft mua lại với mức giá hơn 8 tỷ USD. Từ một công ty ra đời năm 2003 và trải qua nhiều biến cố, Skype đã trở thành một hiện tượng trên thế giới.
Câu chuyện bắt đầu với KaZaA, một ứng dụng chia sẻ file. K aZaA là một ứng dụng chia sẻ file ra đời năm 2001 và nhanh chóng nổi tiếng. Tuy nhiên, KaZaA nhanh chóng chết vì các vụ kiện tụng. KaZaA được đánh giá là một công nghệ rất hiệu quả dùng để truyền tải dữ liệu cực nhanh. Nhưng dùng công nghệ đó để cho phép mọi người chia sẻ nhạc là bất hợp pháp. Song dùng công nghệ đó để mọi người thực hiện các cuộc điện thoại miễn phí trên Internet sẽ là điều tuyệt vời. Vì thế, vào tháng 1/2003, hai doanh nhân là Niklas Zennstrom và Janus Friis đã tận dụng ý tưởng từ cái chết của KaZaA, quyên góp tiền từ Quỹ Đầu tư Bessemer Venture Partners để thực hiện ý tưởng của họ.
Tháng 4/2003, tên miền Skype.com được đăng ký và đến tháng 8, phiên bản beta ra đời. Như tất cả các phần mềm beta khác, phiên bản đầu tiên của Skype cũng dính nhiều lỗi. Các cuộc gọi bị rớt, chất lượng cuộc gọi thật khủng khiếp. Nhưng, đó là những cuộc gọi miễn phí, trên Internet. Một điều hoàn toàn khác biệt.
Một sự khởi đầu khác biệt không phải luôn mang đến ngay lập tức những sản phẩm khác biệt. Đôi khi, bạn cần một xu hướng lớn để nâng sản phẩm lên. Từ năm 2003, hàng loạt người bắt đầu sử dụng kết nối băng rộng, đưa dịch vụ gọi điện qua Internet trở nên phổ biến.
Tháng 3/2004, Skype đã quyên góp được khoảng 20 triệu USD để tăng trưởng. Và trong năm 2004, 2005, Skype phát triển như một quả tên lửa.
Tháng 10/2005, eBay mua Skype với mức giá khủng 4,1 tỷ USD. Trong đó, 2,6 tỷ USD được eBay trả bằng tiền mặt và cổ phiếu. Skype tiếp tục phát triển mạnh mẽ, nhưng lợi nhuận không phải luôn luôn dễ dàng kiếm được.
Tháng 1/2006, Skype thêm dịch vụ gọi có hình (video calling).
Dưới trướng eBay, Skype tiếp tục phát triển và không mang lại lợi nhuận. Năm 2007, Tổng giám đốc Niklas Zennstrom của Skype từ chức, chỉ được thanh toán 1/3 các khoản lương, đền bù. Ngay cả khi Skype vẫn phát triển, song nó dường như không trợ giúp cho ngành kinh doanh cốt lõi của eBay, vì thế mọi thứ không sinh ra tiền .
Skype cơ bản vẫn hòa vốn, không bị lỗ với mô hình kinh doanh miễn phí. Chỉ có 6% người dùng trả tiền cho những cuộc gọi điện thoại đến các số cố định. Để kiếm tiền, hãng cần các khách hàng doanh nghiệp. Đầu năm 2009, Skype tham gia vào thị trường hội nghị doanh nghiệp, nhưng những đối thủ như WebEx của Cisco luôn sừng sững phía trước mặt Skype.
Tháng 4/2009, eBay nói họ muốn Skype phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO). Các nhà đầu tư bắt đầu suy tính, trong đó có cả hai nhà sáng lập Skype là Niklas Zennstrom và Janus Friis.
Tháng 8, eBay đồng ý bán Skype cho một tổ chức, nhưng vụ việc bị ngăn chặn vì các nhà sáng lập của Skype đệ đơn kiện. Và đây là lý do vụ kiện: khi hai chàng trai của Skype bán công ty, họ thực sự không bán tài sản trí tuệ công nghệ P2P (peer-to-peer: mạng ngang hàng), một công nghệ củng cố cho dịch vụ hội thoại VoIP. Khi eBay mua Skype, thương vụ không bao gồm công nghệ được sử dụng để vận hành dịch vụ VoIP. Không thể tin là ngày đó eBay đã đồng ý. Hai chàng trai của Skype đã giữ công nghệ đó lại cho công ty của họ, hãng Joltid. Mục đích vụ kiện tụng này là để Niklas Zennstrom và Janus Friis tiếp tục có Skype. Cuối cùng, Niklas Zennstrom và Janus Friis lại có “chân” trong nhóm nhà đầu tư giành Skype ra khỏi tay eBay.
Tháng 8/2010, Skype đệ đơn làm thủ tục IPO, nhưng sau đó trì hoãn. Lý do là trường hợp Skype quá đặc biệt, dù được mua lại với giá 2,5 tỷ USD, nhưng tài chính công ty vẫn còn nhiều vấn đề. Doanh thu đạt 1 tỷ USD song vẫn không có lợi nhuận.
Và bỗng nhiên, Microsoft nhảy vào, mua Skype với giá 8,5 tỷ USD. Đó thực sự là một ngạc nhiên, như thể là việc Skype đệ đơn IPO chỉ là cách để hãng “rao bán mình”. Bằng cách từ chối Facebook và Google, Skype đã dụ được Microsoft với một số tiền lớn.