Kết quả kinh doanh không đạt mức kì vọng của Apple vừa qua cho thấy ngành công nghiệp smartphone toàn cầu sẽ dễ bị tổn thương hơn cả giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008-2009.
Tại thị trường phát triển, gần như mọi người đều sở hữu một smartphone. Tại thị trường đang phát triển, tỉ lệ này thấp hơn nhiều, song những điện thoại giá rẻ dưới 100 USD lại không sinh được nhiều lợi nhuận. Trước đây, khi Apple iPhone và điện thoại Android còn sung sức, nhu cầu smartphone vẫn mạnh mẽ ngay cả khi doanh số các thiết bị điện tử khác tụt lùi vì người tiêu dùng cho rằng đáng để cập nhật lên thiết bị mới, với màn hình cảm ứng, email và trình duyệt web trọn vẹn.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng do thiếu vắng một điểm đột phá như màn hình cảm ứng – thứ khiến iPhone trở nên nổi tiếng năm 2007 – mọi người đang ngày càng hờ hững với việc nâng cấp lên điện thoại mới. Kết quả kinh doanh quý II/2012 của Apple vừa rồi là một bằng chứng, cho thấy khủng hoảng nợ công châu Âu có tác động mạnh mẽ hơn những gì phố Wall tưởng tượng.
Daniel Ernst, chuyên gia của hãng nghiên cứu Hudson Square nhận định ngay cả Apple không thể thoát khỏi vòng xoáy ảm đạm lâu hơn được nữa. Còn theo Carolina Milanesi – chuyên gia của Gartner, thông thường chu kì “lên đời” của người dùng smartphone là khoảng 18-24 tháng, song hiện tại khoảng thời gian này đã tăng thêm khoảng 3 tháng.
Áp lực giá bán
Trong quý vừa qua, tổng số lượng smartphone xuất xưởng tăng 32%, là nhịp độ thấp nhất kể từ năm 2009, theo thống kê của Strategy Analytics. Hãng nghiên cứu dự đoán sức tăng sẽ giảm xuống còn 40% năm 2012 từ 68% năm 2011 và trong năm 2013, con số sẽ chỉ còn 23%.
Các chuyên gia cho rằng nhu cầu từ các thị trường mới nổi sẽ hỗ trợ lượng smartphone xuất xưởng nếu kinh tế toàn cầu ngày càng xấu đi, song sự cạnh tranh khốc liệt từ các thiết bị giá rẻ của Huawei hay ZTE (Trung Quốc) sẽ tạo ra áp lực giá ngay cả khi kinh tế khôi phục. Neil Mawston từ Strategy Analytics nhận định giá bán bình quân (ASP) sẽ giảm trong năm 2013 và tiếp tục giảm mạnh từ đây.
Nhờ vào sự phổ biến của iPhone hay Galaxy S, Apple và Samsung có thể có chút lợi thế về giá, song các hãng sản xuất khác như LG, HTC, Nokia hay RIM không may mắn như vậy. Con đường gập ghềnh phía trước của phe yếu thế càng rõ ràng hơn sau khi Samsung báo cáo doanh số smartphone tốt nhất trong lịch sử, đá bại Apple và giành giật khách hàng từ các hãng khác. Quy mô của Samsung cho phép hãng cắt giảm chi phí và vẫn kiếm được lợi nhuận, đồng nghĩa với tổn thất cho đối thủ.
Mặc khác, theo Mawston, sẽ có 2 làn sóng trên thị trường smartphone hiện nay: Đầu tiên là bán thiết bị đắt tiền cho người mua giàu có; Sau cùng là bán thiết bị giá rẻ hơn cho khách hàng ít tiền hơn. Milanesi (Gartner) phát biểu: Huawei và ZTE đang chiếm giữ vị trí tốt nhất trong số các hãng smartphone ở làn sóng sau. “Nếu giá là yếu tố tiên quyết, tôi sẽ chọn Trung Quốc”, còn LG và HTC dễ bị tổn thương nhất trong cuộc khủng hoảng giá.