Khi bạn quyết định mua một chiếc smartphone mới thì sự phân vân giữa những tính năng được và mất là không thể tránh khỏi. "Mẫu điện thoại này chụp hình ngon, nhưng pin thì quá tệ. Có chiếc chơi game, lướt web cả ngày mà chẳng cần phải sạc, nhưng thiết kế thì quá to".
Ý tưởng smartphone lắp ghép
Những thiết bị có thế mạnh đặc trưng như Lumia 1020 hay Droid Turbo thường chỉ mang tính khác biệt: chúng đáp ứng rất tốt khi bạn cần đến camera trên di động và duy trì thời lượng sử dụng khá lâu, nhưng phần lớn thời gian còn lại điện thoại dạng này chỉ đóng vai trò như một "chiếc dép" nằm trong túi quần.
Nhưng sẽ sớm thôi, chúng ta không cần phải đặt nặng đầu óc vào những vấn đề như thế này nữa. Trong tương lai, khách hàng sẽ được tận tay xây dựng cấu hình cho chiếc smartphone theo đúng ý muốn của họ. Thậm chí, mọi người có thể thay đổi kiểu dáng của thiết bị bất cứ lúc nào.
Điện thoại di động giờ đây chẳng còn là một món đồ cứng nhắc, và chỉ được nâng cấp theo từng đợt cố định; thay vào đó, được phân phối như từng mảnh ghép giúp bạn thoải mái lựa chọn, tháo lắp và sửa chữa; bất cứ ai cũng có thể mua được. Công nghệ này đầu tiên áp dụng cho smartphone sau đó là mở rộng ra tất cả các lĩnh vực khác.
Chúng ta hiện đang đứng trước bình minh của thời đại thiết bị lắp ghép.
Tự xây dựng thiết bị
Srikhanta Rangan, CEO tổ chức One Education tại Úc, hiện đang kinh doanh một dạng của thiết bị lắp ghép. Anh gọi đó là XO-Infinity, mẫu tabet/laptop có thể thay thế các mô đun được phát triển từ dự án "One Laptop Per Child" trước đó. Thông điệp của Infinity là rất đơn giản: Mua một thiết bị, sử dụng mãi mãi.
Bạn có thể nâng cấp các thành phần riêng lẻ theo sở thích, và chỉ cần chi trả cho toàn bộ thiết bị lúc đầu. Phần lớn người dùng ở các nước thứ ba trên thế giới thường không dám bỏ tiền để lên đời một chiếc smartphone dù đó là mẫu máy khá rẻ hay đã lỗi thời, mục đích việc nâng cấp mô đun là sẽ biến khoản tốn kém lớn trở thành những phần chi tiêu nhỏ có thể chấp nhận được. Chẳng hạn như điện thoại của bạn đang cần một camera sắc nét hơn, nhưng toàn bộ linh kiện còn lại thì vẫn còn tốt chán; vậy việc gì phải rút ví thay thế những thứ mà mình thấy không cần thiết.
"Thường thì các khoản chi sẽ được mọi người phân tích: Phí trả trước sẽ như thế nào?", Srikhanta nói. "Nhưng có rất ít khách hàng trả phí dài hạn, nếu áp dụng cho các trẻ em đang tuổi lớn", vẫn còn sớm để chắc chắn nhưng Srikhanta tự tin: "Chúng tôi đem lại một giải pháp rất kinh tế, hơn việc chi tiền để mua một chiếc tablet mới sau vài năm".
Infinity là thế hệ mới nhất của dạng thiết bị lắp ghép, công nghệ mô đun đã phát triển khá nhanh trong vài năm gần đây. Trước đó, có Motorola Atrix, chiếc điện thoại kết nối được với một màn hình giống laptop để hoạt động; và sau đó Asus Padfone. Thậm chí từ những năm 2000, chúng ta đã có những thiết bị như Handspring Visor có thể gắn thêm phụ kiện camera hay máy nghe nhạc mp3.
Sự khác biệt của thiết bị lắp ghép thời bây giờ là tính khả thi rất cao: CPU mạnh mẽ và tích hợp nhiều hơn, từ đó giúp chip wifi và chip đồ họa có thể nằm gọn trong một board mạch nhỏ. USB-C với hai chiều kết nối, khả năng tương thích và đủ để truyền lưu lượng lớn. Ngoài ra sự thay đổi còn đến từ trình duyệt và các đám mây, cho nên người dùng không cần phụ thuộc quá nhiều vào phần cứng.
Càng phân ra nhiều linh kiện thì thiết bị sẽ càng tối ưu hơn, ví dụ: Project Ara của Google, dự án cao cấp nhất trong ngành công nghiệp smartphone; với mục đích tách một chiếc điện thoại thành các mô đun có thể thay thế như pin, bộ xử lý, camera, màn hình, và rất nhiều nữa. Bạn có muốn một máy quét X-quang trên điện thoại của mình không? Chỉ cần lắp linh kiện vào là xong.
Hiện tại, công nghệ đang kiểm soát chúng ta. Điều này cần phải đảo ngược lại.
Việc nâng cấp không chỉ dễ dàng hơn, mà quá trình sửa chữa cũng thế. One Education đang xem xét việc vận chuyển các linh kiện tháo rời riêng lẻ, và chỉ cần được hướng dẫn việc lắp ráp lần đầu tiên, các đứa trẻ sẽ tự biết cách sửa chữa và nâng cấp cho thiết bị sau này. Điều này giúp giảm chi phí cho One Education: Công ty sẽ không phải thay thế toàn bộ thiết bị mỗi khi có bộ phận nào đó bị trục trặc.
Gói Infinity đi kèm năm mô đun: khung đóng vai trò là lõi của thiết bị, pin, camera, màn hình, và chip xử lý có tích hợp thu phát mạng viễn thông (LTE, Wifi, Bluetooth...). Máy có thể chạy Linux, Android, hay Windows, tùy thuộc vào mô đun mà người dùng gắn vào. Tất cả mọi thứ được kết nối qua chuẩn USB. Srikhanta đặc biệt phấn khởi khi nhắc đến USB-C sẽ được tích hợp trên Infinity trong thời gian tới; nhưng ở hiện tai vẫn chưa có nhiều cộng đồng hỗ trợ cho loại chuẩn mới này, nhất là những dòng thiết bị cấp thấp như XO-Infinity. Nhưng đây là cái hay của công nghệ mô đun: vấn đề này sẽ không làm chậm sự ra mắt của sản phẩm, công ty chỉ cần thay thế chuẩn mặc định với USB-C khi công nghệ này đã sẳn sàng.
One Education đang xem xét phát triển thêm một vài mô đun có thể thay thế được, nhưng Srikhanta cho biết công ty không cố gắng thiết lập một cửa hàng bán linh kiện hay cho thu hút các bên thứ ba vào. Thay vào đó, anh muốn xây dựng một gray market (thị trường không chính thức, nhưng tốt và sản phẩm có mức giá thấp hơn chính hãng), nơi mọi người có thể mua bán hay trao đổi mô đun của họ. Cách duy nhất để một thiết bị như thế này có thể phát triển được là phải nhờ vào một cộng đồng sôi động và có sức lan tỏa, điều đó sẽ khiến người dùng dễ dàng tìm kiếm chủng loại mà họ cần, rất nhanh chóng cùng với giá tiền phải chăng
Đây là điều mà Srikhanta lăp lại nhiều lần: Nếu không có ít nhất hai người dùng, thì sản phẩm được làm ra nhằm mục đích gì?
Dành cho tất cả mọi người
Alireza Tahmasebzadeh - đồng sáng lập của Blocks Wearables, hiện đang trong giai đoạn xây dựng sản phẩm là những chiếc smartwatch được kết nối hoàn toàn bằng mô đun. Ông cho biết ý tưởng về thiết bị xuất phát từ sự bất đồng quan điểm giữa cả hai về việc sẽ tích hợp những gì vào một chiếc đồng hồ thông minh tiêu chuẩn.
Tahmasebzadeh thì muốn tính năng thanh toán và điều khiển bằng cử chỉ; Serge Didenko - đồng nghiệp của ông và là một vận động viên, thì cần cảm biến nhịp tim và phản hồi tình trạng da. "Rồi chúng tôi nói OK, ta không thể nhồi nhét mọi thứ vào đấy" Tahmasebzadeh thuật lại. Nhưng, thực chất thì họ rất muốn, vì thế cả hai quyết định phát triển một chiếc đồng hồ thông minh có dây đeo là chuỗi các mô đun liên kết với nhau (có thể thay đổi, tháo lắp "nóng").
Người dùng thậm chí được phép chuyển từ mặt đồng hồ tròn sang hình vuông... từ đó mỗi người sẽ được sở hữu chiếc smartwatch mà họ muốn, tuy vẫn dùng chung một thiết bị.
"Hiện tại, công nghệ đang kiểm soát chúng ta", Tahmasebzadeh nói: "Điều này cần phải được đảo ngược lại". Ông nhớ lại thời kỳ khi các nhà sản xuất điện thoại sẵn sàng cho ra mắt những sản phẩm lạ mắt, như Samsung đã cố gắng tích hợp máy chiếu vào smartphone của họ, Nokia thì tạo ra các thiết bị đa dạng... Còn bây giờ, họ chỉ tranh nhau về độ mỏng và sự bóng bẩy trong thiết kế
Samsung Galaxy S6 đã không còn tháo nắp lưng ra được nữa; Apple Watch hay MacBook 12-inch mới thì lại càng tù túng. Thiết bị cao cấp giờ đây bị hạn chế tối đa về mặt tùy biến, và chỉ tập trung vào vẻ bề ngoài. Các hãng vát đi từng milimét của chiếc máy để ganh đua kỉ lục với nhau, phát triển một tính năng duy nhất để phô trương (pin lâu, camera tốt) mà bỏ đi các thứ còn lại.
Chắc chắn rằng những flagship trong tương lai như Galaxy S7 cũng sẽ chẳng có gì đột phá nếu các thương hiệu cứ tiếp tục tình trạng này.
Vấn đề thực sự bây giờ là bạn, những người đang đọc bài viết, có muốn những thiết bị này hay không? Tahmasebzadeh đang đặt cược sản phẩm của anh nói riêng và cả một thế hệ smartphone, tablet hay laptop mới nói chung. Tương tự, Vlad Ivanovski - cũng là người kêu gọi đóng góp cho MODR, ốp lưng smartphone cho phép bạn thêm pin, camera, và các mô đun khác, hỗ trợ Android. "Mỗi chiếc điện thoại sẽ có khoảng trống; Mỗi thiết bị di động đều có những khoảng trống", nhiệm vụ của MODR là lấp đầy chúng với pin, bộ nhớ, máy chiếu, và loa Bluetooth.
Đây không phải là một thị trường ít tiềm năng. Rõ ràng, người tiêu dùng đã có sẵn ý tưởng về các tùy chỉnh cho smartphone của họ. Chúng ta có thể nâng cấp camera nhờ có Olloclip hay Moment; hoặc thêm lưu trữ từ Mophie's Space Pack. Rồi hàng chục các linh kiện khác như cảm biến chất lượng không khí của MODR và Nexpaq (một dự án Kickstarter đạt gấp ba lần mục tiêu tài chính đã đề ra). Sử dụng chúng khi cần, tháo ra hoặc bán đi khi chán. Rất đơn giản.
Tất nhiên, những loại sản phẩm mỏng hơn, thẩm mỹ hơn cũng sẽ được giới thiệu không lâu sau đó. Project Ara, MODR, XO-Infinity, hay các mô đun thay thế được đều có kích thước lớn, chỉ có dạng khối, và không hấp dẫn. Nhưng Srikhanta cho rằng những mảnh ghép ấy không nhất thiết phải đẹp, ít nhất là tại một số nơi: "Trong trường học, bạn thường chỉ có hai chiếc máy tính để sử dụng. Và những máy này không cần phải thay đổi trong suốt 10 tới 15 năm. Thậm chí là nhiều thập kỷ, thật vậy". Về cơ bản chúng hữu ích và chỉ đơn giản là hoạt động tốt. Đây chính là sự hứa hẹn từ công nghệ mô đun trong tương lai - đáp ứng chính xác và không màu mè những gì bạn cần.
Mục tiêu của loại thiết bị thế hệ mới không thực sự nhắm vào người tiêu dùng trung lưu. Các cộng đồng sẽ hoạt động mạnh mẽ nhất ở các nước đang phát triển, nơi mà sự cạnh tranh giữa những chiếc Galaxy và iPhone mới nhất không phải là vấn đề chính. Các thiết bị Ara đầu tiên sẽ được bán đại trà như bao mặt hàng khác trên thị trường, và có giá tầm khoảng $50 đôla.
Nhờ có những bộ vi xử lý mạnh mẽ, giá thành thấp, sự chuẩn hóa của kết nối USB và HDMI, cùng với sự tương thích của các loại cảm biến tích hợp... và những ai đang có ý định mua loại thiết bị tương lai này. Hãy tin rằng chúng sẽ có khả năng thay đổi thói quen, cũng như cách sử dụng của bạn (vì bản chất của mô đun vốn là chuyển dời được mà).
Đây sẽ là một chiếc điện thoại bạn có thể sử dụng trong nhiều năm liền, vượt xa tuổi thọ của các thiết bị như Samsung hay Apple, với các khối ghép hình và nhu cầu không giới hạn của người dùng, giờ đây không có thiết bị nào là lỗi thời và nhàm chán nữa. Sự hoàn hảo sẽ là mãi mãi.