CES 2009 và xu hướng màn hình thời HD

Năm nay, các hãng sản xuất thiết bị hình ảnh đua nhau đưa ra những sản phẩm siêu cấp, từ việc tiếp tục trào lưu dát mỏng thân màn hình, tới kết nối mạnh, tốc độ quét hình siêu tốc và đặc biệt tiết kiệm điện cao.

Khi HD đã trở thành tính chất mà thiết bị nào cũng phải có trong cơn bão độ phân giải cao, tại CES năm nay, các hãng đã hướng tới trau chuốt hơn tính HD bằng các công nghệ phụ trợ, biến LCD ngày càng trở nên hoàn hảo hơn là việc chỉ đơn thuần hiển thị.

Dưới đây là tổng hợp một số hướng đi mới của các nhà sản xuất TV LCD trong năm 2009 thể hiện trong triển lãm điện tử tiêu dùng hàng đầu thế giới CES đang diễn ra tại Las Vegas (Mỹ).

Siêu mỏng

LH90, TV LCD đèn LED mỏng chỉ 24,5 mm. Ảnh: Cnet.


Kể từ sự ra mắt của Sony XEL-1 dày 3 mm nhưng lại chỉ nhỏ 11", năm vừa qua bắt đầu đánh dấu cuộc đua siêu mỏng của màn hình lớn mà khởi đầu là chiếc TV 37" dòng ultra thin UT37X902 của Hitachi ra đời tháng 5/2008. Chiếc TV này được cho là mỏng nhất thế giới với độ dày chỉ khoảng 36 mm so với 70 - 80 cm thông thường.

Tại CES 2009 đang diễn ra, khi LG vừa tuyên bố phá vỡ kỷ lục mỏng nhất với loạt series LH90 (ba kích cỡ 42", 47" và 55") có độ dày chỉ 24,5 mm, ngay lập tức đối thủ đồng hương Samsung đáp trả bằng series Luxia chỉ mỏng 6,5 mm. Thậm chí để phủ đầu thị trường, một loạt series 8000-, 7000- của Samsung cũng đều co mình về mức mỏng, biến Samsung thành hãng không những có nhiều mẫu TV LCD siêu mỏng nhất, mà mức độ mỏng còn đạt giải quán quân "mình hạc xương mai" tại CES năm nay.

Không những vậy, để dành điểm tuyệt đối, Samsung còn tuyên bố dù mỏng như vậy nhưng các màn hình này đều được tích hợp sẵn bộ thu phát TV kỹ thuật số chứ không chỉ có chức năng hiển thị đơn thuần và phải phụ thuộc vào các hộp giải mã rời như các mẫu thông thường khác.

Năm tới công nghệ siêu mỏng chắn chắn sẽ vẫn tiếp diễn trong các dòng sản phẩm LCD và Plasma, dù rằng người dùng chưa chắc đã sẵn sàng trả thêm tiền chỉ vì độ mỏng khi nó vẫn còn khá đắt. Tuy vậy, với tiềm năng tiêu thụ mạnh, các dòng siêu mỏng này hứa hẹn sẽ giảm giá nhanh chóng khi được đưa vào sản xuất hàng loạt.

Siêu kết nối

Dòng Plasma 8 và 6 của Samsung có khả năng kết nối Internet. Ảnh: Cnet.


Khi Internet đã trở nên phổ biến thì không lý gì hệ thống giải trí trong phòng khách lại không tích hợp tính năng này. Không chỉ duyệt web, xem tin tức, cả LG và Samsung đều công bố những mẫu TV có thể kết nối tới các trang YouTube để xem video hay Flick để xem ảnh mà không cần tới máy tính. Không những vậy, để đảm bảo băng thông đủ cho video, Samsung còn tuyên bố tích hợp cả Wi-Fi chuẩn N tốc độ cao, chuẩn mà đến bản thân các dòng máy xách tay mới nhất cũng như hệ thống không dây gia đình vẫn còn dè dặt.

Không dừng ở web, LG với hai series cao cấp LHX và LH85 còn hỗ trợ khả năng kết nối không dây ở độ phân giải Full-HD giữa TV và đầu DVD, đầu chơi game hay đầu TV kỹ thuật số, giúp cho việc lắp đặt hệ thống giải trí phòng khách trở nên đơn giản hơn bao giờ hết.

Chẳng chịu kém miếng, CES 2009 đánh dấu sự xuất hiện của thế hệ đầu Blue-ray đầu tiên hỗ trợ Wi-Fi của Samsung. Các đầu BD-P4600 và BD-P3600 có cổng USB ngoài việc hỗ trợ đọc các thiết bị USB thông thường, còn có khả năng biến thành một bộ thu nhận không dây thông qua thiết bị USB Wi-Fi.

Quét hình siêu tốc

Sony Bravia Z4 có tốc độ quét hình lên 200 Hz. Ảnh: Cnet.


Nếu như năm trước TV 100 Hz đã làm người xem thỏa mãn về chất lượng hiển thị chuyển động so với tốc độ trung bình trước đây 50 Hz, thì nay tốc độ quét hình đã được đẩy lên gấp đôi, 200 Hz (với tiên phong là Sony series Z4).

Không chịu thua kém hàng xóm Nhật Bản, các đại gia Hàn Quốc là Samsung và LG đồng loạt ra mắt TV tốc độ quét hình siêu tốc tới 240 Hz. Dù chưa sánh được với màn hình Plasma (cũng của hai hãng này) với tốc độ lên tới 600 Hz, nhưng cùng với công nghệ chống nhòe hình được phát triển từ những năm trước, các TV 240 Hz hứa hẹn một chất lượng hình ảnh mượt mà và sắc nét ngay cả với các pha rượt đuổi tốc độ cao.

Siêu thân thiện môi trường

Chiếc LF-30 của LG tiết kiệm tới 80% điện năng so với LCD thông thường. Ảnh: Cnet.


Khủng hoảng kinh tế dẫn tới thắt chặt chi tiêu. Vì thế tiêu chí tiết kiệm điện sẽ tác động tới quyết định mua sắm TV của người tiêu dùng. Đón bắt xu thế này, các hãng đình đám trong làng thiết bị hình ảnh năm nay đều công bố sản phẩm của mình có khả năng tiết kiệm điện từ 40% đến 80% so với thông thường.

Energy Star, một chuẩn quốc tế đánh giá hiệu năng tiêu thụ điện của các sản phẩm điện tử với đặc trưng logo màu xanh, đã khá quen thuộc với màn hình máy tính, nay trở thành tâm điểm của các quảng cáo tiết kiệm điện. Thông thường, logo Energy Star trên TV là một chứng nhận TV đó có khả năng tiết kiệm điện 20-30% so với TV thường, nay với phiên bản Energy Star 3.0 cộng với ứng dụng rộng rãi của công nghệ đèn nền LED so với đèn nền fluoresent, Samsung cho biết con số tiết kiệm có thể đạt 40% đối với các TV thế hệ mới như Samsung series 8 và một loạt các dòng 8000, 7000.

LG thậm chí còn công bố một mức tiêu thụ sốc hơn với dòng LF-30 bằng khả năng tiết kiệm tới 80% so với LCD thông thường. Hãng này thậm chí còn phát triển riêng một công nghệ cảm biến thông minh thế hệ II tích hợp trong các dòng LCD mới mà theo đó có thể giảm tới 73% mức năng lượng so với các TV đời cũ cùng kích cỡ.

Chủ Nhật, 11/01/2009 09:22
31 👨 207
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp