Số camera trên smartphone: Chất lượng hay chỉ là mánh khóe marketing?

Cuộc cạnh tranh về sức mạnh xử lý hay độ phân giải màn hình trong thế giới smartphone thực sự đã hạ nhiệt, giờ là thời kỳ các hãng ganh đua nhau bằng “số chấm” trên camera cũng như số lượng cảm biến camera được trang bị trên điện thoại. Xu thế này đang được dẫn dắt bởi hàng loạt ông lớn Android như Oppo, Huawei, Xiaomi, Samsung, Vivo...

Hiện nay, không khó để bắt gặp những chiếc smartphone sở hữu 3, 4 camera sau, và nếu tính cả camera trước, có thể có tới 6 cảm biến camera khác nhau được trang bị trên một khung máy duy nhất. Tuy nhiên, vấn đề đáng nói ở đây là việc tăng số lượng camera không đảm bảo chất lượng hình ảnh tốt hơn - và các nhà sản xuất chắc chắn biết rõ điều này. Liệu có phải chúng ta đang bị cuốn theo “chiêu trò” marketing của các hãng sản xuất điện thoại?

Khi số lượng không song hành cùng chất lượng

Smartphone sở hữu 4 camera sau không phải hiếm
Smartphone sở hữu 4 camera sau không phải hiếm

Ống kính macro và cảm biến trường sâu là hai trong số camera phụ phổ được trang bị phổ biến nhất trên smartphone hiện nay. Nhưng trên thực tế, sự xuất hiện của chúng không phải lúc nào cũng là nhân tố chủ chốt giúp mang lại một bức ảnh với chất lượng tổng thể tốt hơn. Việc bổ sung các camera này hầu như không liên quan gì đến chất lượng hình ảnh thực tế khi bạn sử dụng chế độ chụp ảnh tiêu chuẩn qua camera chính - tác vụ mà chúng ta sử dụng nhiều nhất. Thay vào đó, yếu tố đóng góp lớn nhất cho chất lượng hình ảnh là cấu hình phần cứng của cảm biến camera chính và đặc biệt là phần mềm (thuật toán) xử lý hình ảnh từ nhà sản xuất.

Tuy nhiên nói như vậy không có nghĩa là các camera phụ này hoàn toàn vô dụng mà ngược lại, mỗi loại đều sở hữu một vai trò bổ trợ riêng.

Cảm biến trường sâu là trợ thủ đắc lực cho chế độ chân dung xóa phông, với vai trò đóng góp góp dữ liệu độ sâu của cảnh vật cho camera chính. Tất nhiên, camera chính cũng hoàn toàn có thể tự mình thu thập được dữ liệu độ sâu này dựa vào các thuật toán phần mềm chuyên sâu, thậm chí là nhờ vào AI (trí tuệ nhân tạo).

Trong khi đó, máy ảnh macro được sử dụng để chụp ảnh cận cảnh, nhưng ngày nay các nhà sản xuất chủ yếu sử dụng cảm biến 2MP (ví dụ: OnePlus 8 và nhiều mẫu điện thoại khác) không cung cấp quá nhiều chi tiết ảnh.

Vì vậy, rõ ràng hầu hết các nhà sản xuất dường như đang sử dụng cảm biến trường sâu và camera macro để tạo nên các con số thuận tiện cho việc marketing, thay vì nỗ lực để thực sự mang lại chất lượng hình ảnh tốt hơn cho người dùng. Mặc dù có nhiều camera không phải là không có lợi trong một số tình huống, nhưng trên thực tế nhu cầu là không nhiều trong các tình huống sử dụng hằng ngày.

Nhiều camera đang là xu hướng được ưa chuộng, nhưng hãy tỉnh táo

Camera góc siêu rộng cũng là một trang bị thường thấy trên smartphone ngày nay - lý tưởng cho những bức ảnh liên quan đến tòa nhà, phong cảnh, ảnh nhóm và các tình huống mà bạn muốn nhồi nhét càng nhiều chi tiết vào khung hình càng tốt. Ngoài ra nhiều loại camera góc rộng cũng có khả năng chụp ảnh macro ở độ phân giải cao hơn so với các cảm biến thuần macro 2MP sơ sài.

Camera zoom như ống kính tiềm vọng hoặc ống kính tele cũng là sự bổ sung thực sự tiện dụng khác. Các cảm biến này cung cấp chất lượng zoom tốt hơn nhiều so với việc chỉ dựa vào zoom kỹ thuật số thông thường, cho phép bạn có được những hình ảnh chụp xa chất lượng thay vì một mớ hỗn độn mờ ảo. Một số mẫu điện thoại có hỗ trợ camera zoom quang học đáng chú ý bao gồm các flagship gần đây của Huawei, OnePlus 7T, Oppo Reno 10X Zoom và các mẫu Galaxy S20.

Oppo Reno 10X Zoom
Oppo Reno 10X Zoom

Một số mẫu điện thoại cũ như Huawei P20 series và Nokia 8 sử dụng camera đơn sắc làm cảm biến phụ. Loại máy cảm biến này có thể có tác động trực tiếp đến chất lượng hình ảnh tổng thể (đặc biệt là trong môi trường thiếu sáng), vì nó có thể thu thập nhiều ánh sáng hơn so với cảm biến camera truyền thống.

Vậy tại sao không nhiều thương hiệu “dám” trang bị các loại cảm biến phụ hữu ích này? Tất cả chỉ là vấn đề về giá thành. Cảm biến macro có giá rẻ hơn đáng kể so với tele. Hơn nữa, hầu hết các thương hiệu đã cung cấp máy ảnh ultrawide như là một trang bị thứ cấp không thể thiếu. Đối với máy ảnh đơn sắc, chúng đã không còn được ưa chuộng trong thời gian gần đây khi thuật toán đã đảm nhiệm rất tốt khâu cải thiện chất lượng hình ảnh trong điều kiện ánh sáng yếu.

Đã đến lúc các nhà sản xuất nên áp dụng những bổ sung thực sự hữu ích hoặc trở về với sự đơn giản vốn có. Một chiếc smartphone với 4 camera sau trông thật ấn tượng, nhưng sẽ không mất nhiều thời gian để bạn nhận ra rằng số tiền mình chi thêm cho những chiếc camera phụ kia thật vô nghĩa.

Số tiền chi cho cảm biến trường sâu hoặc camera macro có thể giúp cải thiện đáng kể chất lượng của camera chính - thứ người dùng sử dụng mỗi ngày. Cho dù đó là bằng cách sử dụng cảm biến tốt hơn, hoặc phần mềm được cải thiện... tất cả điều này đều sẽ có tác động rõ rệt hơn đối với chất lượng ảnh chụp.

Vì vậy, lần tới khi bạn thấy một nhà sản xuất điện thoại thông minh tự hào quảng cáo rằng họ có một chiếc điện thoại sở hữu tới 4 camera sau, hãy nhớ rằng đây có thể là một trường hợp số lượng chưa chắc tỷ lệ thuận với chất lượng.

Khảo sát thực tế

Mỗi nhà sản xuất điện thoại thông minh lại có cách tiếp cận khác nhau đối với vấn đề nhiếp ảnh di động. Có hãng lựa chọn trang bị thiết lập nhiều camera cho khả năng chụp ảnh linh hoạt hơn, từ xóa phông, góc rộng, cho đến siêu zoom. Nhưng cũng có những hãng chỉ sử dụng hai hoặc một ống kính duy nhất, thay vào đó tập trung vào chất lượng ảnh chụp thông thường để làm sao cho ra chất lượng tốt nhất. Vậy cách làm nào được người dùng ưa chuộng hơn cả?

Smartphone ngày càng có nhiều camera hơn
Smartphone ngày càng có nhiều camera hơn

Để làm rõ luận điểm này, chuyên trang công nghệ Android Authority đã làm một khảo sát nhỏ đối với độc giả của mình về việc liệu họ liệu họ thích một chiếc smartphone chỉ có một camera duy nhất, có thể chụp những bức ảnh (ở chế độ thường) chất lượng cao nhưng không được linh hoạt lắm, hoặc một thiết bị với ít nhất ba camera, mang đến nhiều chế độ chụp linh hoạt hơn, nhưng chất lượng ảnh chụp thông thường lại không thực sự ấn tượng.

Android Authority đưa ra cho độc giả 2 phương án trả lời, bao gồm:

  • Versatile triple-lens camera (Máy ảnh ba ống kính đa năng)
  • Great single-lens camera (Máy ảnh ống kính đơn với chất lượng tuyệt vời)

Cuộc khảo sát được thực hiện trên 2 nền tảng: Website Android Authority và Twitter, kết quả thu được có sự khác biệt khá lớn. Trong số hơn 3000 người tham gia khảo sát, có tới 74,31% cho biết thích một chiếc smartphone chỉ có một camera duy nhất nhưng cho chất lượng ảnh chụp tuyệt vời. Chỉ 25.69% thích khả năng chụp ảnh linh hoạt trên những smartphone nhiều camera hiện nay.

Kết quả này cho thấy chất lượng camera chính - thứ người dùng thường sử dụng mỗi ngày nên là yếu tố mà các hãng nên tập trung cải thiện hơn cả. Tất nhiên nói như vậy không có nghĩa là những công nghệ như ông kinh góc rộng, cảm biến trường sâu hay camera tiềm vọng… không quan trọng. Nhưng để nói về sự ưu tiên, chất lượng của camera chính vẫn nên được đầu từ nhiều nhất, có thể là bằng cách sử dụng cảm biến tốt hơn, hoặc cải thiện thuật toán xử lý.

Chủ Nhật, 06/09/2020 15:10
51 👨 4.055
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Bình luận công nghệ