Blog – Khả năng tiếp thị tương tác

Blog - công cụ tiếp thị mạnh mẽ, nhưng chưa được sử dụng nhiều tại Việt Nam

Bạn thân của khách hàng

Tiếp thị trên blog khác hẳn với các cách tiếp thị truyền thống, và cũng khác với tiếp thị trên website, trước hết vì blog mang đậm dấu ấn cá nhân.

Trên blog, bạn có thể bỏ hết các nghi thức trịnh trọng để giao tiếp với khách hàng một cách gần gũi, thân mật nhất. Theo đúng tình cảm của mình, bạn có thể hài hước, đau buồn, giận dữ, vui mừng, thương xót... trên blog. Bạn cũng có thể xưng hô một cách khá thoải mái, kiểu như: bác - tôi, bác – em, tôi – bạn, mình - bạn, anh – em... tùy theo ngữ cảnh và tùy theo đối tượng trò chuyện, miễn là khách hàng luôn cảm thấy được tôn trọng. Bạn cũng có thể nói về mục tiêu, định hướng, ước mơ, những niềm say mê của mình, những việc đã làm được ngày hôm qua, chuyện thời sự hôm nay, một chuyện ngẫu hứng nảy ra trong đầu, một liên tưởng bất ngờ thú vị... y như trong cuộc trò chuyện thường ngày với những người bạn thân.

Những yếu tố đó khiến khách hàng của bạn cảm thấy đang được giao tiếp với một người cụ thể (không chung chung như một website), có tình cảm thật, có cá tính, có phong cách, từ đó dẫn đến sự đồng cảm và tin tưởng, thu hẹp khoảng cách tâm lý giữa DN với khách hàng. Cứ như thế, thông tin về sản phẩm, dịch vụ của bạn sẽ thẩm thấu vào nhận thức của khách hàng một cách tự nhiên, với điều kiện sản phẩm, dịch vụ đó phải có chất lượng, phải đúng như những gì bạn nói về nó.

Khách hàng cùng tiếp thị

Những yếu tố trên cộng với khả năng cho phép khách hàng tham gia vào nội dung khiến blog trở thành một công cụ tiếp thị tương tác khá mạnh. Một khi DN tạo được blog hấp dẫn, thiết thực, có phong cách, blog đó sẽ tạo ảnh hưởng đối với khách hàng, kích thích họ góp ý, nhận xét về sản phẩm (muốn thay đổi, bổ sung hay thiết kế lại sản phẩm theo ý họ), nêu ra những suy nghĩ về xu hướng phát triển của công nghệ, thị trường...

Quá trình trao đi đổi lại như thế giúp DN hình thành những ý tưởng mới cho sản phẩm, dịch vụ, thậm chí cả những định hướng chiến lược cho hoạt động của DN.

Như vậy, qua blog, khách hàng đã tham dự vào công việc của DN, trở thành một phần trong quy trình hoạt động của DN. Mặt khác, khi đã gắn bó với blog của DN, nhiều khách hàng cũng nhiệt tình tư vấn, giải đáp thắc mắc cho những khách hàng khác ngay trên blog của DN. Đó là những lợi thế mà kiểu tiếp thị một chiều truyền thống không thể có. Ngoài ra, nếu thực hiện quá trình tương tác một cách nghiêm túc, ổn định, chỉ số hài lòng của khách hàng đối với DN sẽ tăng. Đó chính là một tài sản của DN.

Khi đã thích dùng sản phẩm, dịch vụ của DN, nhiều khách hàng còn tự “sắm vai” chuyên gia, thể hiện sự hiểu biết của mình về dịch vụ, sản phẩm đó trên những blog riêng của họ để tư vấn cho những người khác. Họ sẽ đặt đường liên kết (link) đến blog của bạn trên blog của họ, sẽ gửi liên kết blog của bạn lên các diễn đàn hay các blog khác, khuyến khích người khác truy cập vào blog và website của bạn... Lắm khi, kiến thức chuyên môn khá sâu kết hợp với văn phong rất “đời” của các chủ nhân blog khiến bài viết của họ hấp dẫn hơn hẳn so với những bài viết thông thường trên các báo.

Một cách khác, DN có thể mời các blogger nổi tiếng dùng thử sản phẩm, dịch vụ của mình để họ viết cảm nhận. Hình thức này khá mới ở Việt Nam (VN), nhưng không còn lạ ở các nước như Nhật, Mỹ.

Vài blog tiếp thị của DN Việt

Trong khoảng 2 năm qua, blog đã được sử dụng khá nhiều ở VN, tạo thành một hiện tượng xã hội. Tuy nhiên, số DN sử dụng blog để tiếp thị vẫn còn hiếm hoi, và những DN đã dùng hầu hết chưa khai thác được khả năng của công cụ này.

Blog NoYu (360.yahoo.com/blognumberone) của công ty Tân Hiệp Phát được lập với mục đích tiếp thị cho chương trình bật nắp chai nước giải khát Number One trúng giải (một chương trình tiếp thị nhắm vào tuổi teen, xoay quanh hành trình nhân vật NoYu và thú cưng BiChu đi tìm người trúng giải). Đây là một phương án tiếp thị trên blog khá hay về ý tưởng. Cách thể hiện cũng khá độc đáo với nhiều màu sắc và hình ảnh, ngôn từ phù hợp với đối tượng cần tiếp thị. Nhưng blog này chỉ đưa được 2 entry rồi bỏ dở từ tháng 6/2007 tới nay.

Nhiều blog khác như của công ty cổ phần sách Bách Việt (360.yahoo.com/bachvietbooks), câu lạc bộ nguồn nhân lực ĐH Ngoại Thương (360.yahoo.com/ftu_hrc), công ty Aha.vn (aha.vn/blog)... được đầu tư dài hơi hơn, tuy nhiên nội dung chủ yếu vẫn chỉ là công bố thông tin thông thường hoặc đưa lại các tin PR gửi báo chí, hoặc dịch thẳng từ catalog giới thiệu sản phẩm của nước ngoài, ít bản sắc cá nhân, chưa thật gần gũi... Do đó, các blog này chưa lôi cuốn người đọc tham gia tương tác.

Tránh tác dụng ngược

Mặc dù với blog, bạn có thể viết thoải mái hơn, nhưng bạn không nên dễ dãi, hời hợt hoặc đùa giỡn thái quá. Điều đó có thể gây phản cảm và khiến khách hàng không chỉ bỏ rơi blog của bạn mà bỏ rơi cả sản phẩm/dịch vụ của bạn. Bạn cũng không nên tập trung nhiều vào các chủ đề gây chia rẽ, không bêu riếu, nói xấu đối thủ cạnh tranh, dễ ảnh hưởng tới niềm tin của khách hàng vào DN của bạn.

Mặc dù bạn lập blog với mục đích tiếp thị, nhưng nhiều nhà tư vấn khuyên bạn không nên chỉ tập trung vào việc tiếp thị. Nếu lúc nào bạn cũng nhăm nhăm đưa thông tin về những sản phẩm, dịch vụ của bạn, đăng lại những thông cáo báo chí hoặc dịch lại những thông tin từ catalog thì blog đó sẽ bị xem là quảng cáo đơn thuần, khó thu hút người xem, không tạo được sự tương tác với khách hàng. Bạn cũng không nên nói quá, hoặc nói không đúng sự thật về sản phẩm của mình, vì nếu làm như thế trong thế giới luôn kết nối, chẳng mấy chốc bạn sẽ trở nên nổi tiếng vì sự không trung thực!

Thứ Sáu, 15/02/2008 13:45
31 👨 38
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp