Mới đây, một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Washington ở St Louis vừa tìm ra cách để biến vên gạch thành pin. Dung lượng ban đầu của cục pin đặc biệt này còn khá khiêm tốn, chỉ có thể thắp sáng một bóng đèn LED nhỏ.
Các nhà khoa học biến cục gạch thành pin bằng cách lấp đầy các lỗ trống trong cục viên gạch bằng những sợi nhựa nano siêu dẫn có thể lưu trữ điện năng. Về bản chất, pin được tạo ra theo cách này sẽ được gọi là siêu tụ điện chứ không phải dạng pin dựa trên phản ứng hóa học mà chúng ta đang dùng. Vì thế, mật độ điện năng vẫn còn khá thấp, ở thời điểm hiện tại chỉ đủ để thắp sáng một bóng đèn LED.
Nhưng các nhà nghiên cứu tin tưởng rằng trong tương lai công nghệ này sẽ phát triển tới mức mọi người có thể lưu trữ điện năng trong các bức tường của căn nhà mình. "Mái nhà lắp tấm điện mặt trời cần một chỗ để lưu trữ điện và chúng ta bây giờ đang sử dụng pin", Julio D'Arcy, đồng tác giả của nghiên cứu chia sẻ. "Nhưng trong tương lai, biết đâu toàn bộ ngôi nhà sẽ sản xuất và lưu trữ điện năng cho bạn, phần mái tạo ra điện và phần tường lưu trữ điện".
Hiện tại, so với pin lithium ion, loại pin mới làm bằng gạch này có mật độ thấp hơn rất nhiều. Các nhà nghiên cứu đang hy vọng có thể tăng mật độ pin của viên gạch lên gấp 10 lần bằng cách sử dụng oxit kim loại. Giải pháp thiết kế một loại gạch mới vẫn đảm bảo độ cứng nhưng có thêm không gian cho những vật liệu siêu dẫn cũng đang được cân nhắc.
Thế giới sẽ hoàn toàn thay đổi nếu các nhà khoa học tăng được mật độ điện năng của pin bằng gạch lên ngang với pin lithium ion. "Bạn sẽ không bao giờ nghe thấy pin lithium ion nữa nếu như chúng tôi thành công", D'Arcy nói. "Bởi vì đây là một giải pháp rẻ hơn rất nhiều".
Bên cạnh tăng dung lượng lưu trữ điện năng, các nhà khoa học sẽ còn phải tìm cách để những viên gạch tích điện của mình có thể chống chịu được thời tiết cũng như cách nhiệt.