Đang có một cuộc cách mạng trong lĩnh vực chế tạo robot với những thay đổi toàn diện về vật liệu. Nhiều mẫu robot hiện đại ngày nay được thiết kế và chế tạo bằng cách sử dụng các loại vật liệu mềm, an toàn, giúp nó có thể dễ dàng thực hiện những công việc đòi hỏi mức độ nhẹ nhàng, khéo léo cao.
Nhưng như thế nào là đủ mềm? Theo một thử nghiệm mới được thực hiện bởi các nhà khoa học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ, Đại học New York và Đại học Harvard, một cách tay robot khéo léo làm bằng loại vật liệu đủ mềm sẽ có thể giữ chặt một chú sứa mà không gây ra bất cứ tổn thương nào cho nó.
Tại sao lại là sứa chứ không phải bất cứ loại động vật nào khác? Từ trước đến nay, sứa luôn là đối tượng thử nghiệm tuyệt vời bởi vì chúng rất mỏng manh và dễ bị tổn thương trước tác động từ ngoại lực dù là nhỏ. Trong thí nghiệm mới nhất, các nhà nghiên cứu đã sử dụng một cánh tay robot mềm với những ngón tay nhẹ nhàng, trông như những “sợi mì” để bắt giữ loài sinh vật biển trơn tuột và mỏng manh này. Kết quả là con sứa đã bị “tóm” gọn dễ dàng mà không phải chịu bất cứ tổn thương vật lý nào.
“Thành công này mở ra triển vọng rất lớn trong việc ứng dụng những cánh tay, bàn tay robot tinh xảo làm từ vật liệu mềm trong những công việc đòi hỏi sự khéo léo cao như hỗ trợ phẫu thuật, nghiên cứu những đối tượng dễ bị tổn thương vật lý”, tiến sĩ Michael Tessler, nghiên cứu sinh tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ, cho biết.
Tuy không gây ra tổn thương trên cơ thể, nhưng điều này chưa thể kết luận rằng còn vật có cảm thấy khó chịu hay không. Sứa không có thụ thể đau hoặc hệ thần kinh trung ương, có nghĩa là chúng sẽ không thể có cảm giác gì, nhưng với đa số các loài khác thì có. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích bộ gen để xem có những biến đổi như thế nào trong cơ thể của con vật khi nó bị bàn tay robot này bắt giữ. Quá trình phân tích cho thấy con vật cảm thấy ít căng thẳng hơn so với khi bị bắt bằng những vật cứng.
Ở giai đoạn tiếp theo, nhóm nghiên cứu có kế hoạch tích hợp các ngón tay robot siêu nhẹ với nhiều công nghệ tiên tiến khác, như quét DNA, nhằm thực hiện những nhiệm vụ phức tạp hơn, chẳng hạn như “kiểm tra y tế” cho sinh vật biển ngay dưới nước mà không làm tổn thương chúng.