HTC thành lập năm 1997 và từng là một trong những nhà sản xuất smartphone lớn nhất thị trường. Mặc dù hiện nay, HTC không còn được như trước nhưng hãng điện thoại này vẫn để lại rất nhiều ấn tượng trong quá khứ cho người dùng.
Dưới đây là 5 điều thú vị về hãng điện thoại HTC mà có thể bạn chưa biết, cùng tìm hiểu nhé!
1. Khởi đầu của HTC là sản xuất điện thoại cho hãng khác
HTC có khởi đầu là nhà sản xuất "nhãn trắng" (white labe), tức là chuyên sản xuất thiết bị cho công ty khác để bán dưới thương hiệu riêng của họ.
HP iPAQ Pocket PC và Palm Treo 650, một trong những sản phẩm di động đầu tiên chạy Palm OS là những sản phẩm đầu tiên của HTC.
Mãi tới năm 2002, HTC mới cho ra đời chiếc điện thoại đầu tiên do chính hãng sản xuất với tên gọi là Wallaby và được bán dưới nhiều cái tên khác như O2 XDA, T-Mobile MDA, Dopod 686, Siemens SX56 và Qtek 1010.
Hiện tại, HTC vẫn làm smartphone cho công ty khác. Trong nhiều năm qua, HTC sản xuất một số thiết bị cho Google như Nexus One, mới đây thì có Pixel, Pixel XL và Pixel 2.
2. HTC là công ty đầu tiên ra mắt smartphone chạy Android, Windows và 4G
Năm 2008, HTC Dream (T-Mobile G1), chiếc smartphone Android đầu tiên trên thế giới được ra mắt và chính HTC là nhà sản xuất ra nó. Ở thời điểm đó, HTC Dream được đánh giá khá cao và đã bán ra được 1 triệu máy trong năm đầu tiên.
Trước đó, vào năm 2002, công ty Đài Loan cũng từng tung ra chiếc điện thoại đầu tiên chạy Windows Mobile mang tên HTC Canary, bán tại châu Âu và Trung Quốc. Và HTC cũng chính là nhà sản xuất đầu tiên tung ra MTeoR, smartphone Windows Mobile đầu tiên có kết nối mạng 3G vào năm 2006.
Năm 2010, HTC tiếp tục đi đầu xu hướng công nghệ mới khi cho ra mắt Evo 4G, smartphone thương mại đầu tiên hỗ trợ mạng 4G. Đã có 150.000 chiếc Evo 4G đến tay người dùng Mỹ trong tuần đầu bán ra tại đất nước này.
3. Giao diện tùy biến đầu tiên trên Android do HTC phát triển
HTC là công ty đầu tiên áp dụng giao diện tùy biến với tên gọi là Sense vào những chiếc Android của mình (mẫu HTC Hero), thay vì dùng giao diện gốc của Google từ năm 2009.
Sau HTC, một loạt các nhà sản xuất Android khác cũng tung ra giao diện của riêng mình như LG có Optimus UI, Samsung có TouchWiz (sau này là Samsung Experience), Huawei có EMUI hay nổi tiếng nhất là Xiaomi (Trung Quốc) với MIUI.
HTC Sense với thiết kế đẹp, độ mượt mà, ổn định, thậm chí có những tính năng hữu ích mà Android gốc không có nên nhanh chóng nhận được sự yêu thích của người dùng. Sau này, Google đã bổ sung một số tính năng của Sense vào Android gốc.
Hiện tại, Sense đã không còn mạnh như trước, một phần nguyên nhân là do dự chậm chạp trong khâu cập nhật. Từ phiên bản cách đây 2 năm trên HTC 10, các ứng dụng như HTC Weather, Dialer, Messages và Clock hầu như không thay đổi gì.
4. HTC từng là hãng smartphone hàng đầu tại Mỹ
Vào quý 3/2011, HTC xuất xưởng khoảng 5,7 triệu thiết bị chiếm gần 25% thị phần tại Mỹ, cao hơn 800.000 thiết bị so với Samsung, trong khi đó Apple chỉ đứng thứ ba với 4,6 triệu máy. Thời kỳ đó, HTC chính là nhà sản xuất smartphone lớn nhất tại Mỹ và đứng thứ tư toàn cầu.
Cũng trong năm 2011, HTC được GSMA vinh danh là "nhà sản xuất của năm". Tiếc là HTC đã dần mất đi thị phần và hiện đã không còn trong top 10 nhà sản xuất lớn nhất nữa.
5. HTC là kho tàng của những sáng tạo
HTC từng đứng thứ 31 trong danh sách công ty sáng tạo nhất năm 2010 do Fast Company xếp hạng, cao hơn Samsung và Microsoft.
Camera kép trên HTC One M8.
Năm 2014, HTC cho ra mắt One M8 với camera chính 4MP và camera phụ 2MP phía trên để tạo hiệu ứng bokeh, trở thành công ty đầu tiên ra mắt smartphone có camera kép ở mặt lưng để chụp ảnh. Sau này Samsung và LG cũng tạo ra những thiết bị tương tự.
HTC One M7.
Năm 2013, khi mà Samsung hay nhiều hãng khác vẫn đang tìm cách đột phá với nhựa thì HTC đã bắt đầu xu hướng thiết kế smartphone cao cấp với thân hình kim loại tuyệt đẹp trên chiếc One M7.
One M7 cũng mở đầu cho phong trào làm loa kép ở mặt trước của smartphone và dải ăng-ten trên mặt lưng One M7 cũng được hầu hết smartphone kim loại ra mắt sau này học tập.
Edge Sense là tính năng cực kỳ mới được HTC tích hợp đầu tiên trên HTC U11, cho phép mở ứng dụng hoặc thực hiện hành động bằng cách bóp vào hai cạnh bên điện thoại.
Sau này, Edge Sense có mặt trên U11 Life, U12+, kể cả Pixel 2 (HTC sản xuất) và Pixel 2 XL của Google với tên gọi khác là Active Edge.
Ngoài ra, U11+ và U12+ của HTC là smartphone đầu tiên có nắp lưng trong suốt nhìn thấy linh kiện bên trong. Gần đây, Xiaomi đã copy thiết kế này trên phiên bản Mi 8 Explorer Edition.
Xem thêm: