Không chỉ nói đúng về nhiều sản phẩm trước khi Apple trình làng, các nhà phân tích còn đoán gần như chính xác về doanh thu và doanh số của hãng này trong quý đầu tiên của năm tài khóa 2013.
Hầu hết con số mà Apple đưa ra đều rất hoành tráng như doanh thu và lợi nhuận đạt kỷ lục 54,5 tỷ USD và 13,1 tỷ USD, có nghĩa, trung bình mỗi tuần Apple thu về 4,2 tỷ USD, so với cùng kỳ năm ngoái là 3,3 tỷ USD.
Apple liên tiếp đạt kỷ lục, nhưng vẫn chưa đủ làm hài lòng giới đầu tư.
47,8 triệu iPhone và 22,9 triệu iPad được tiêu thụ quý qua cũng xác lập kỷ lục mới ở Apple vì cách đây một năm, họ bán được 37 triệu iPhone và 15,4 triệu iPad. "Chúng tôi vui mừng trước những thành tích đạt được và rất tự tin trong việc đổi mới và tạo ra những sản phẩm tốt nhất thế giới", Tim Cook, CEO của Apple, tuyên bố.
Thế nhưng, điều kỳ lạ là ngay sau khi Apple công bố kết quả tài chính, cổ phiếu của hãng này giảm tới 10%. Chuyên gia phân tích Jim Cramer thẳng thừng nhận xét: "Apple không còn những phép màu như trước. Hiện nay họ giống như IBM hay Johnson&Johnson (có nghĩa, họ vẫn mạnh nhưng không còn sức hút như xưa). Thiếu một sản phẩm mới làm mê hoặc lòng người, tôi thấy có rất ít lý do để sở hữu cổ phiếu Apple thời điểm này".
Apple không giữ được yếu tố bất ngờ cho một số sản phẩm giới thiệu gần đây như iPhone 5, iPad Mini vì thông tin đã bị lộ quá nhiều trước đó. Trước khi họ công bố doanh số, chuyên gia Gene Munster của Piper Jaffray và một vài chuyên gia khác cũng đã dự đoán gần trúng mọi con số.
Trước đó một ngày, Google cũng công bố trong 3 tháng cuối năm 2012, họ đã đạt doanh thu 14,42 tỷ USD, lợi nhuận 3,75 tỷ USD. Nhờ đó, hãng này đã có một năm kỷ lục với doanh thu tổng cộng 50 tỷ USD. Đây là thành công lớn với một hãng chuyên về phần mềm, dịch vụ Internet và mới chớm bước sang lãnh địa phần cứng như Google.
"Một thành tích không tồi sau hơn chục năm thành lập", CEO Google Larry Page cho hay. "Chúng tôi luôn có nhiều cơ hội lớn. Là một công ty công nghệ, chúng tôi luôn tập trung vào lợi ích của người dùng".
Một bất ngờ khác là ZTE, hãng sản xuất thiết bị Trung Quốc và luôn có mặt trong danh sách top 5 các thương hiệu điện thoại lớn nhất thế giới (chỉ sau Samsung, Apple và Nokia) lại vừa đưa ra dự báo rằng họ sẽ lỗ tới 450 triệu USD trong năm 2012. Kết quả tồi tệ này được đánh giá là do nhiều dự án mạng tại nhiều thị trường như châu Âu, châu Phi, Nam Mỹ, châu Á và ngay tại Trung Quốc bị trì hoãn, nhiều hợp đồng không tiếp tục được gia hạn và doanh thu điện thoại di động sụt giảm…
Điện thoại di động là mảng cạnh tranh khốc liệt, đến công ty thuộc hàng "top" như Nokia và ZTE cũng thua lỗ.
Bên cạnh đó, ZTE cũng bị tác động bởi sự ngăn cản của chính phủ Mỹ. Vào tháng 10/2012, Ủy ban Tình báo của Hạ viện Mỹ cảnh báo rằng các hãng sản xuất thiết bị viễn thông như ZTE nên bị trục xuất khỏi thị trường nước này vì lo ngại nguy cơ gián điệp. Trước thực tế đó, đại diện ZTE thừa nhận họ đã không có phản ứng kịp thời trước những thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế vĩ mô cũng như trong ngành viễn thông luôn cạnh tranh khốc liệt. Nhằm khắc phục tình trạng thua lỗ, ZTE cho biết đang tập trung hơn vào khách hàng và sản phẩm quan trọng, cơ cấu lại hoạt động và tái tổ chức chiến lược để tạo được kết quả kinh doanh khả quan hơn trong năm nay.