Tại sự kiện WWDC vào thứ hai 3/6, Apple đã giới thiệu tính năng Find My, giúp định vị thiết bị bị thất lạc ngay cả khi GPS và Internet bị ngắt.
Theo Apple, Find My hoạt động bằng cách liên tục gửi tín hiệu Bluetooth tới các thiết bị trung gian trong hệ sinh thái của Apple ở gần đó, mượn tạm kết nối Internet của những thiết bị này để chuyển tiếp tín hiệu này lên đám mây, giúp người dùng phát hiện vị trí thiết bị bị đánh cắp.
Tính năng Find My được gộp từ các ứng dụng Find My Phone và Find My Friends. Ảnh: The Verge.
Tuy nhiên, nhiều người lo ngại về quyền riêng tư của người dùng khi sử dụng tính năng này, liệu Find My có tiếp tục theo dõi khi người dùng không mong muốn không.
Giải đáp thắc mắc này, Apple cho biết, tính năng này được xây dựng trên một hệ thống mã hóa độc đáo, có khả năng ngăn chặn mọi trường hợp đánh cắp dữ liệu vị trí. Không chỉ chặn người dùng các thiết bị trung gian truy cập vào dữ liệu, thậm chí chương trình mã hóa phức tạp này còn chặn luôn cả Apple làm điều đó. Đối tượng duy nhất biết thông tin iDevice của mình chính là chủ thiết bị, vì vậy người dùng không cần phải lo lắng về quyền riêng tư.
Ứng dụng Find My có khả năng định vị thiết bị ngoại tuyến. Ảnh: Apple Insider.
Ngoài ra, quá trình gửi tín hiệu chỉ sử dụng những mẩu dữ liệu bé xíu trên lưu lượng mạng hiện có nên không hề hao tốn nhiều dung lượng mạng và pin.
Theo Apple, để tránh rò rỉ dữ liệu vị trí người dùng cần sở hữu ít nhất 2 thiết bị của hãng. Khi một máy bị thất lạc, nó sẽ phát ra một đoạn mã thay đổi liên tục. Đoạn mã này được các thiết bị Apple gần đó nhận diện và tải lên đám mây dữ liệu định vị. Chỉ có thiết bị Apple còn lại mới có khóa để giải mã vị trí đó nên việc rò rỉ dữ liệu sẽ không thể xảy ra.
Tất nhiên, quy trình hoạt động của Find My trong thực tế phức tạp hơn nhiều. Từ giờ cho tới khi được ra mắt vào cuối năm nay cùng với macOS Catalina và iOS 13, tính năng này vẫn còn có thể thay đổi.