Vấn đề chuyển đổi sử dụng modem 5G tự phát triển của Apple đã tiêu tốn không ít giấy mực của giới công nghệ trong vài năm trở lại đây. Tháng 9 năm ngoái, sự cố gặp phải với giải pháp phát triển 5G nội bộ đã khiến Apple buộc phải tái ký kết thỏa thuận cấp phép sử dụng modem 5G với Qualcomm. Thỏa thuận kéo dài trong ba năm, và mối quan hệ hợp tác giữa hai công ty dự kiến sẽ hết hạn vào năm 2026.
Tuy nhiên, theo tiết lộ mới nhất từ Giám đốc điều hành Qualcomm Christiano, thỏa thuận này hiện đã được gia hạn đến tháng 3 năm 2027 - một động thái cho thấy rằng Apple dường như đang gặp những khó khăn thực sự to lớn với dự án phát triển modem 5G nội bộ và sẽ cần nhiều thời gian hơn nữa để mọi thứ được giải quyết ổn thỏa.
Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với CNBC, người đứng đầu Qualcomm đã tiết lộ một vài thông tin khái quát về thỏa thuận cấp phép modem 5G mới được ký kết với Apple. Trong đó, vị CEO nói rằng ông vô cùng hài lòng với việc Qualcomm có cơ hội kéo dài thỏa thuận này, vì mối quan hệ hợp tác mở rộng với một công ty lớn như Apple đồng nghĩa với nguồn doanh thu dồi dào và ổn định trong vài năm. Như vậy, Apple sẽ tiếp tục dựa vào 5G của Qualcomm trong ba năm tới, tức là cho đến khi dòng iPhone 19 ra mắt. Mặc dù chưa rõ chi tiết các điều khoản tài chính của thỏa thuận, nhưng chắc chắn nó sẽ giúp Qualcomm giữ lại nguồn doanh thu đáng kể trị giá hàng tỷ USD. Đổi lại, thỏa thuận đảm bảo rằng Apple có thể kết hợp công nghệ 5G của Qualcomm vào iPhone của mình mà không gặp rủi ro pháp lý liên quan đến bằng sáng chế.
Về phần Apple, mặc dù chưa đưa ra bất cứ bình luận chính thức nào, nhưng việc gia hạn thỏa thuận cấp phép sử dụng modem 5 từ Qualcomm đã nói lên nhiều điều về tình trạng hỗn loạn mà công ty đang gặp phải khi cố gắng giảm sự phụ thuộc vào linh kiện từ bên thứ ba nói chung.
Táo Khuyết trước đây được cho là đang nghiên cứu một modem 5G tùy chỉnh của riêng mình, dự kiến ra mắt vào cuối năm 2025 hoặc đầu năm 2026. Tuy nhiên, kế hoạch phát triển modem 5G của Apple đã gặp phải nhiều trở ngại hơn những gì công ty muốn thừa nhận. Các phiên bản đầu tiên của modem tùy chỉnh này gặp phải các vấn đề về hiệu suất và quá nhiệt, khiến chúng tụt hậu vài thế hệ so với sản phẩm của Qualcomm.
Thậm chí, ngay cả sau khi mua lại mảng kinh doanh modem 5G của Intel với giá 1 tỷ USD, Apple vẫn tiếp tục phải đối mặt với những rào cản lớn khiến hãng không thể mở rộng quy mô. Đây có lẽ cũng là một trong những lý do khiến hãng liên tục trì hoãn việc ra mắt iPhone SE 4 giá rẻ.
Qualcomm là công ty có thói quen tính phí khá cao với các đối tác của mình khi trở thành nhà cung cấp độc quyền cho một thành phần cụ thể. Do đó, không quá khó hiểu khi Apple nỗ lực “thoát ly” Qualcomm trong mảng modem 5G, nhưng kết quả cho đến nay vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Năm 2022, các thỏa thuận hợp tác với Apple ước tính chiếm 21% tổng doanh thu của Qualcomm.