Dự trữ tiền mặt của Apple hiện đã lên tới 76,2 tỷ USD, nhiều người băn khoăn không biết “quả táo” sắp tới sẽ làm gì với số tiền khổng lồ này.
Cách đây ít hôm, Apple công bố dự trữ tiền mặt của hãng, bao gồm các loại chứng khoán ngắn hạn và dài hạn có tính thanh khoản cao, tính đến ngày 25/6 đã tăng 15,8% so với cách đó 3 tháng, đạt 76,2 tỷ USD.
Tờ Wall Street Journal dẫn số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, dự trữ tiền mặt này còn lớn hơn GDP của 126 quốc gia trên thế giới, gồm các nước như Ecuador, Bulgaria, Sri Lanka và Costa Rica.
“Phát sốt” trước số tiền trên, nhiều nhà đầu tư ngay sau đó đã kêu gọi Apple dùng một phần số tiền để trả cổ tức. “Nếu Apple không tìm được cách sử dụng tiền mặt phục vụ cho tăng trưởng, họ nên trả lại cho cổ đông”, ông Tim Ghriskey, Giám đốc đầu tư của Solaris Asset Management, một quỹ có sở hữu của Apple, nói.
Khi được tờ Wall Street Journal hỏi về vấn đề này, một phát ngôn viên của Apple đã đề cập tới chủ trương “ôm tiền chờ thời cơ” mà Giám đốc điều hành (CEO) Steve Jobs vạch ra hồi tháng 10 năm ngoái. “Chúng tôi hết sức tin tưởng rằng, sẽ có một hoặc nhiều hơn những cơ hội chiến lược xuất hiện. Mà chúng ta chỉ có thể chớp thời cơ đó nếu có một chỗ đứng đặc biệt nhờ dự trữ tiền mặt dồi dào”, Jobs nói khi đó.
Dự trữ tiền mặt của Apple giờ lớn hơn của nhiều hãng công nghệ lớn khác. Những năm gần đây, nhiều tập đoàn lớn của Mỹ, trong đó có các “đại gia” công nghệ đã thực hiện chính sách tích trữ tiền mặt nhằm phòng ngừa trường hợp bất ổn kinh tế. Chẳng hạn, Microsoft có 60,9 tỷ USD tính đến tháng 3, Google có 39,1 tỷ USD, Cisco Systems có 43,4 tỷ USD.
Theo hãng định mức tín nhiệm S&P, tổng dự trữ tiền mặt và tương đương tiền mặt của 500 công ty lớn nhất nước Mỹ xét về giá trị vốn hóa thị trường tính đến cuối quý 1 năm nay là 963 tỷ USD, so với mức 837 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Trong đó, các hãng công nghệ chiếm phần lớn, vì đây là các doanh nghiệp hoạt động trong một lĩnh vực mà các xu hướng dịch chuyển nhanh chóng, đòi hỏi một hệ thống an toàn lớn hơn.
Tuy nhiên, các hãng công nghệ mạnh tay tích trữ tiền mặt thường đối diện với vấn đề nhạy cảm trong quan hệ với cổ đông. Các công ty này thường tránh trả cổ tức bằng tiền mặt - một việc thường diễn ra ở những doanh nghiệp đã phát triển chín muồi và tốc độ tăng trưởng đã chậm lại - và “thích” tự xem mình là những doanh nghiệp mới, đang phát triển với tốc độ cao.
Một ví dụ điển hình là cho tới tận gần đây, hai “ông lớn” công nghệ là Microsoft và Cisco mới chịu mở ví để trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông.
Nhưng Apple vẫn tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng chóng mặt nhờ doanh thu từ máy tính bảng iPad và điện thoại thông minh iPhone. Hôm 19/7, Apple thông báo doanh thu quý 2 tăng 82% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị vốn hóa của hãng trong phiên giao dịch 20/7 đã lên gần 358 tỷ USD.
Nhà phân tích Toni Sacconaghi thuộc hãng phân tích Sanford C. Bernstein cho rằng, mua lại cổ phiếu hoặc dùng tiền mặt trả cổ tức là những cách để Apple thu hút các nhà đầu tư xem trọng giá trị cũng như các quỹ tăng trưởng và thu nhập (growth and income fund). Theo chuyên gia này, trong tình trạng không mắc nợ như hiện nay, Apple có thể dễ dàng vay tiền với lãi suất thấp để thực hiện một vụ mua lại quy mô lớn nếu muốn.
Ngoài việc mua bằng sáng chế liên quan tới viễn thông từ Nortel Networks với số lượng không được công bố vào cuối tháng 6 vừa rồi, Apple chưa thực hiện vụ mua lại nào từ đầu năm tới nay. Trước đây, hãng cũng chỉ thực hiện một số thương vụ thâu tóm quy mô nhỏ, trong đó vụ lớn nhất là vụ mua lại công ty bán dẫn P.A. Semi với mức giá ước tính khoảng 278 triệu USD vào tháng 4/2008.
Nhưng dù sao, một số nhà đầu tư vẫn cảm thấy hài lòng với kho dự trữ tiền mặt dồi dào của Apple. “Dự trữ tiền mặt này khiến tôi tin tưởng, vì bảng cân đối kế toán của Apple quá mạnh”, nhà quản lý quỹ Mike Binger thuộc Thrivent Asset Management phát biểu.
Ông Binger cho biết, điều mà ông quan tâm là, với số tiền như vậy, Apple có thể làm bất kỳ điều gì mà họ muốn.